Phát triển du lịch đầm phá Tam Giang tại Thừa Thiên-Huế
Cập nhật: 14/07/2010
Phá Tam Giang được xem là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm. Trong đó, vấn đề phát triển du lịch sinh thái cộng đồng dựa trên phá Tam Giang được xem là một thế mạnh lớn trong tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã tổ chức chuyến kiểm định tour du lịch Đầm phá Tam Giang (tại khu vực huyện Quảng Điền). Trong hơn 1 năm qua, CSRD đã tổ chức khảo sát, xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho người dân địa phương về các kỹ năng phục vụ trong dịch vụ du lịch.

Tour du lịch này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó không chỉ góp phần làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng như tạo ra nhiều cơ hội để người dân địa phương có thể tiếp cận và giao lưu với nhiều nền văn hóa mà du khách mang đến.

Trong tháng 2 và 3/2010, Công ty lữ hành Viet Phap Service và một số công ty lữ hành quốc tế khác đã hướng dẫn cho 4 đoàn khách du lịch châu Âu về đây. Và chuyến đi này đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách quốc tế.

Tour du lịch Đầm phá Tam Giang được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Hà Lan (IUCN-NL) tài trợ thông qua Quỹ dự án nhỏ về du lịch bền vững và đa dạng sinh học, với chương trình đa dạng, có nhiều hoạt động cho du khách lựa chọn và tham gia cùng trải nghiệm. Tour sẽ khởi hành từ thành phố Huế, du khách sẽ đi ô tô và dừng tham quan ở đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa), đây là di tích lịch sử cấp quốc gia và còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa.

Từ đình làng Thủ Lễ, du khách sẽ đến thôn Ngư Mỹ Thạnh tham quan nhà trưng bày các loài sinh vật do ngư dân ở đây thực hiện, tham quan trình diễn đan lưới, quy cách sử dụng các ngư lưới cụ trong đánh bắt.

Tiếp đến, du khách có thể đi xe đạp đến thăm vườn rau, tham gia vào hoạt động chăm sóc cây cỏ và mua các sản vật rau, củ, quả ngay tại thôn Thủy Lập. Tại đây, du khách được chứng kiến các bước để hoàn thiện một sản phẩm mây tre đan và có thể tham gia tự tay mình thực hiện các kiểu đan đơn giản.

Bữa ăn trưa sẽ được các chị em hội phụ nữ của thôn Ngư Mỹ Thạnh trổ tài nấu nướng với thực đơn là những món ăn hải sản đặc biệt của vùng Đầm phá Tam Giang. Tại đây, khách có thời gian để nghỉ trưa ngay tại nhà cộng đồng thôn. Đến đầu giờ chiều, du khách sẽ được đi thuyền trên phá Tam Giang, ngắm cảnh đẹp tự nhiên, nếp sống sinh hoạt và đánh bắt của người dân vùng đầm phá này.

Không dừng lại ở đó, sẽ có thuyền vượt phá Tam Giang từ xã Quảng Lợi qua xã Quảng Ngạn để du khách tham quan khu lăng mộ truyền thống của cư dân vùng biển; ngắm và tắm biển ở bãi biển Tân Mỹ; xem múa Náp truyền thống- một điệu múa khi làm lễ an táng cho cá Ông (loại cá mà người dân vùng biển luôn thờ cúng).

Trên đường trở về lại thành phố, du khách sẽ được ghé thăm làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm mây tre đan lát Bao La, với nhiều mặt hàng tinh xảo, có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế, tour du lịch đầm phá Tam Giang là hướng phát triển có nhiều tiềm năng của ngành du lịch sinh thái cộng đồng. Sắp tới, tour du lịch này sẽ được mở rộng hơn và kết nối với làng cổ Phước Tích.

Đây là cơ hội cho du khách vừa khám phá vẻ đẹp của vùng Tam Giang, vừa thăm và có thể ở lại qua đêm tại làng cổ Phước Tích nổi tiếng này. Ngoài ra sẽ mở rộng hướng đi về phá Tam Giang ở khu vực huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc - nơi có những thắng cảnh tự nhiên rất đẹp.
Báo Văn hóa