Du lịch Ninh Bình ra đời từ sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), tiền thân là Công ty Du lịch Ninh Bình. Năm 1995, Sở Du lịch Ninh Bình được thành lập, đến năm 2008 sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ninh Bình tái thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 sở: Du lịch, Văn hoá thông tin và Thể dục Thể thao theo quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 3/3/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đó là những thời điểm quan trọng tạo ra bước ngoặt phát triển cho ngành Du lịch Ninh Bình.
Từ khi thành lập Sở Du lịch đến nay, ngành du lịch Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Vị thế du lịch Ninh Bình bước đầu đã được đánh giá đúng mức trong sự phát triển chung của đất nước. Ninh Bình đã và đang trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước và đã đạt được nhưng thành tựu cơ bản sau:
1. Sự đổi mới cơ chế, chính sách của tỉnhNinh Bình xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Qua 4 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu chiến lược đó luôn được nung nấu, vì thế du lịch Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Các cơ chế, chính sách pháp luật về du lịch luôn được đổi mới và hoàn thiện nhằm tạo môi trường pháp lí cho công tác quản lí hoạt động du lịch, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình và sự quan tâm, giúp đỡ của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình (nay là sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ninh Bình) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 1995-2010 và quy hoạch chi tiết một số khu du lịch; Tham mưu cho tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, thành lập Hiệp Hội du lịch Ninh Bình. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 03/TU ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch tới năm 2010; Nghị quyết chuyên đề số 15NQ/TU ngày 13/07/2009 và Kế hoạch số 07/KH–UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đây là những chủ trương, chính sách lớn của tỉnh nhằm phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế cùng phát triển.
2. Tốc độ tăng trưởng về lượng khách du lịch hàng năm luôn đạt mức cao
Trong những năm gần đây lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày một tăng. Trong giai đoạn 2001 - 2007, lượng khách đến với Ninh Bình có tốc độ tăng nhanh, từ 510.700 lượt khách lên 2.390.905 lượt khách, tốc độ tăng bình quân là 21,4%. Trong 3 năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng đột biến, tốc độ tăng trưởng luôn đạt trên 25%. Năm 2010, dự kiến tỉnh Ninh Bình phấn đấu thu hút khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, nhưng chỉ 5 tháng đầu năm toàn tỉnh đã đạt 2,3 triệu lượt khách, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh sự tăng lên về lượng khách, cơ cấu khách cũng có sự thay đổi rõ nét. Khách quốc tế đến Ninh Bình chiếm trung bình khoảng 30,94% so với tổng lượng khách, tốc độ tăng trưởng đạt từ 15% đến 20%. Thị trường khách nội địa cũng ngày được mở rộng. Năm 1995 lượng khách du lịch nội địa tới Ninh Bình với con số khiêm tốn là 122.500 khách, con số này đã tăng gấp 14.6 lần sau 15 năm phát triển, năm 2009 đạt 1.789.120 khách.
3. Công tác đầu tư cho du lịch có bước phát triển vượt bậc
Ngành du lịch Ninh Bình luôn chú trọng vào việc đầu tư nâng cấp và xây mới các khách sạn, nhà nghỉ nhằm kịp thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch. Vì vậy hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô. Năm 1992, toàn tỉnh chỉ có duy nhất 01 khách sạn Hoa Lư được tách ra từ Công ty du lịch Hà Nam Ninh với 33 phòng nghỉ. Hiện nay, toàn tỉnh có 126 cơ sở lưu trú với 2.377 phòng nghỉ tương đương 4.227 giường. Trong đó có 22 cơ sở lưu trú được công nhận đạt loại hạng từ 1 đến 2 sao, chiếm 17,46% tổng số cơ sở lưu trú hiện có.
UBND tỉnh đã ban hành và áp dụng các Quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận cho 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn là 9.267,714 tỷ đồng, riêng năm 2009 có 7 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn là: 1.428,587 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu là đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, khách sạn du lịch cao cấp, đầu tư phát triển các khu du lịch và khu vui chơi giải trí hiện đại nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho tỉnh, đầu tư phát triển các trung tâm dịch vụ du lịch. Hiện nay các dự án đang triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ đã được phê duyệt. Nhiều hạng mục công trình của các dự án đã đưa vào khai thác sử dụng phục vụ khách du lịch.
Việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đã có chuyển biến tích cực. Từ năm 2000 đến nay, với nguồn vốn hỗ trợ của Ngân sách Trung ương nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược phát triển du lịch đã được triển khai. Sự kết hợp giữa nguồn vốn địa phương và nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của Trung ương thật sự là “xúc tác” góp phần quan trọng trong việc tạo ra môi trường thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
4. Về xúc tiến quảng bá du lịch:
Hoạt động xúc tiến quảng bá từng bước được chuyên môn hoá. Các kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch hàng năm của ngành đã được triển khai có hiệu quả. Hệ thống các ấn phẩm, tài liệu quảng bá đã được xây dựng và hoàn chỉnh. Công tác xúc tiến quảng bá trên mạng internet đã được đẩy mạnh với việc thiết lập được trang tin điện tử tổng hợp, thu hút hàng nghìn lượt người truy cập. Các hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng hình ảnh, nâng cao vị thế du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế, hấp dẫn khách đến Ninh Bình ngày một đông hơn.
Những thành tựu cơ bản của ngành du lịch Ninh Bình đạt được sau 15 năm xây dựng và phát triển có thể khẳng định, tiềm năng du lịch Ninh Bình đã được đánh thức; Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; phát triển du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế-xã hội khác như nông nghiệp, xây dựng, giao thông, văn hoá-xã hội,... Để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát huy vai trò xung kích của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cần có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế cũng như các tầng lớp nhân dân nhằm tập trung mọi nguồn lực, khai thác triệt để lợi thế để phát triển du lịch, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.