Đề án Quốc hoa Việt Nam
Cập nhật: 28/08/2010
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã trình Chính phủ Đề án Quốc hoa Việt Nam. Đề án đưa ra những nguyên tắc và kế hoạch, biện pháp cụ thể để xây dựng Quốc hoa Việt Nam – vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu và người dân thời gian gần đây.

   Hoa sen có thể trở thành Quốc hoa Việt Nam

Đề án xác định rõ sự cần thiết xây dựng Quốc hoa Việt Nam. Quốc hoa là loại hoa tiêu biểu, là biểu tượng của tinh thần và đặc trưng văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước có Quốc hoa.

Việt Nam là một trong số 16 quốc gia giàu có nhất về đa dạng sinh học, là đất nước có nhiều loài hoa đẹp. Từ ngàn xưa, hoa đã rất gần gũi và gắn bó với đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có Quốc hoa, chưa có văn bản nào công nhận Quốc hoa của Việt Nam, trong khi hầu hết các nước trong khối ASEAN và nhiều nước ở châu Á đã có Quốc hoa.

Mới đây, Bộ VHTTDL cũng tổ chức một số cuộc hội thảo bàn về Quốc hoa của Việt Nam với sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu và cả người dân. Có thể nói, việc xây dựng và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam là cần thiết vì đây là nguyện vọng của nhân dân, cũng xuất phát từ hoạt động trong nước và đối ngoại quốc tế.

Không những vậy, vấn đề xây dựng Quốc hoa Việt Nam cũng nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhằm thực hiện chiến lược văn hóa đến năm 2020 là: tăng cường giáo dục đạo đức, xây dựng con người mới, đời sống văn hóa mới trong nhân dân, tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa.

Như vậy có thể nói, Đề án Quốc hoa Việt Nam của Bộ VHTTDL được coi là cơ sở khoa học và thực tiễn của việc lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất tôn vinh loài hoa tiêu biểu nhất, thể hiện tập trung nhất bản sắc con người và đất nước Việt Nam.

Đề án đưa ra kế hoạch cụ thể: Ban đầu cần đưa ra một số tiêu chí lựa chọn, tôn vinh Quốc hoa Việt Nam và lập danh sách ứng viên cho Quốc hoa Việt Nam, đồng thời không thể không dựa trên ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa và cả ý kiến của nhân dân. Cơ quan chỉ đạo Đề án được xác định là Bộ VHTTDL phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, trong khi đó, đơn vị thực hiện Đề án sẽ là Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh Triển lãm. Một số đơn vị cũng sẽ phối hợp tổ chức Đề án bao gồm: Vụ Văn hóa văn nghệ (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Bộ NN &PTNT), Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO (thuộc Bộ Ngoại giao) và một số đơn vị khác.

Đề án sẽ diễn ra theo các bước: thành lập Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo Đề án – Tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát – Tổ chức hội thảo chuyên đề - Thông tin tuyên truyền trên báo đài và các phương tiện truyền thông khác – Lấy ý kiến từ dư luận, người dân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch