Tối 10/10/2010, tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, đêm nghệ thuật với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội - Thành phố Rồng bay" đã diễn ra hoành tráng. Đêm hội là điểm nhấn đặc biệt trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, và còn mang ý nghĩa kết thúc 10 ngày Đại Lễ.Chương trình nghệ thuật do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản văn học, Nhạc sĩ Trọng Đài làm Tổng đạo diễn với sự tham gia của gần 10.000 nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đến từ một số trường đại học, cao đẳng, các câu lạc bộ tại thành phố đã góp sức làm nên một đêm nghệ thuật rực rỡ, hoành tráng và đậm chất sử thi.
Sau lời tuyên bố khai mạc ngắn gọn của Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo, Đêm hội bắt đầu.
Chương trình nghệ thuật gồm ba chương:
Quyết định trọng đại,
Tinh hoa nghìn năm văn hiến, Thời đại Hồ Chí Minh - Thông điệp thành phố vì hòa bình. Các chương tái hiện hình ảnh Thăng Long - Hà Nội cùng hình ảnh đất nước qua các giai đoạn, biến cố thăng trầm của lịch sử: từ thuở hồng hoang, cho đến quá trình lập nước, giữ nước và xây dựng đất nước.
Chương 1: "
Quyết định trọng đại" mở đầu bằng hình ảnh Rồng bay trên Kinh thành Thăng Long giữa màn ánh sáng rực rỡ, trong âm thanh rộn rã của 100 chiếc trống đồng cùng các màn múa: "Những đứa con của rồng", "Chiếu dời đô", "Điện Kính thiên", "Nam quốc sơn hà"… đã tái hiện một đất nước Việt Nam trải qua 1.000 năm lịch sử, từ thủa “cha Rồng - mẹ Tiên” để từ đó sinh ra 54 dân tộc anh em cùng đoàn kết vượt qua bao sóng gió, cùng sát cánh bên nhau làm nên một chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử, 3 lần đánh bại quân Mông Nguyên, cùng nhau quét sạch 29 vạn quân Thanh trước cửa ngõ Thủ đô…
Những trận chiến nổi tiếng lịch sử đều được thể hiện qua ngôn ngữ sân khấu, qua các màn đồng diễn của diễn viên, lúc thì miêu tả cánh đồng lúa thanh bình, lúc lại là những đợt sóng trào dâng, khi lại thể hiện không khí thiền của non thiêng Yên Tử, nơi vua Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, và những đợt sóng người thoắt cái lại biến thành những sắc đào Nhật Tân tươi thắm.
Chương 2: mang tên “
Hào khí đất thiêng, tinh hoa ngàn năm văn hiến” tái hiện lại hình ảnh xúc động: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để rồi từ đó, dân tộc Việt Nam non trẻ, lại tiếp tục đối mặt với thù trong giặc ngoài. Nhưng vẫn với tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, một lần nữa, dân tộc của chúng ta lại ngẩng cao đầu với khúc ca khải hoàn.
Phục trang của diễn viên trong chương 1 và chương 2 được sáng tạo theo màu tiêu biểu cho từng thời đại, như trang phục thể hiện cho thời Lý có màu xanh men gốm, thời Trần được thể hiện với trang phục màu vàng, thời Lê có màu chàm, thời Nguyễn có màu của hoa mai, hoa đào.
Chương 3: được mang tên "
Thời đại Hồ Chí Minh - Thông điệp thành phố hòa bình” tái hiện một Hà Nội rất nên thơ với hương hoa sữa thơm nồng từng góc phố, với tiếng leng keng tầu điện, những thiếu nữ Hà Nội trong mềm mại của những tà áo dài cùng với ca khúc "Hà Nội đêm trở gió" (nhạc sỹ Trọng Đài) được thể hiện bằng giọng ca của ca sỹ Mỹ Linh. Và một Hà Nội hôm nay cũng không kém phần sôi động, bởi nhịp sống công nghiệp, với những tòa nhà chọc trời... Người Hà Nội hôm nay vẫn luôn tin rằng, quá khứ chính là động lực là giá trị để vun đắp lên một tương lai tươi sáng mai sau. Chương trình được kết thúc bằng màn nhảy Hiphop của các em học sinh thể hiện lớp trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước và thủ đô Hà Nội thành phố vì hòa bình.
Sử dụng ngôn ngữ truyền thuyết ước lệ, thể hiện nội dung qua hình khối, một không gian biến hóa và đầy màu sắc, kết hợp giữa âm thanh trầm hùng của hệ thống nhạc cụ dân tộc, ánh sáng laser hiện đại và một sân khấu nước hoành tráng, … dẫn dắt người xem vừa được ôn lại lịch sử của dân tộc vừa được thưởng thức một bữa đại tiệc về âm thanh, ánh sáng.
Màn trình diễn bắn pháo hoa nghệ thuật đã kết thúc "bữa tiệc" của âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật trình diễn đỉnh cao; khép lại một lễ hội đặc biệt, một ấn tượng không thể nào quên trong lòng người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Hồng Thủy biên tập