Các rạp hát khánh thành chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
Cập nhật: 08/10/2010
Trong khuôn khổ Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hàng loạt các rạp hát được khánh thành và đi vào hoạt động tạo bức tranh văn hóa – nghệ thuật sống động cho Hà Nội nghìn năm tuổi.

Rạp Công Nhân

Sáng 2/10, rạp Công Nhân tại 42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm - một trong những công trình tiêu biểu chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội - đã được khánh thành.

Tiền thân của rạp Công Nhân là rạp chiếu bóng được người Pháp xây dựng từ năm 1917 trong phạm vi khu đất có diện tích hơn 1.000m²  trên phố Tràng Tiền. Đầu tiên rạp có tên là rạp chiếu phim Eden. Tên rạp Công Nhân chỉ chính thức xuất hiện sau khi giải phóng thủ đô Hà Nội. Trải qua gần một thế kỷ, công trình này đã xuống cấp, đòi hỏi việc xây dựng mới, với mục tiêu trở thành công trình văn hóa tiêu biểu, phục vụ biểu diễn nghệ thuật đa năng.

Tháng 10/2007 dự án xây mới rạp Công Nhân chính thức khởi công với tổng mức đầu tư hơn 72 nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ công trình đã hoàn thành với quy mô 3 tầng: 1 tầng hầm, 3 tầng nổi trong khuôn viên diện tích hơn 1.023m2. Phần lớn diện tích tầng hầm dành làm gara ô tô, xe máy, xe đạp và các phòng kỹ thuật, trạm điện, trạm bơm, kho đạo cụ…

Tầng 1 gồm 2 sảnh, sảnh lớn ở phía phố Tràng Tiền chuyên trưng bày và quảng cáo, sảnh nhỏ ở phố Đinh Lễ là khu quản lý gồm các phòng họp, khu dịch vụ. Tầng 2 có sảnh đón tiếp, sân khấu và phòng khán giả với hệ thống 515 ghế ngồi được thiết kế bậc cấp, tạo tầm nhìn thuận lợi. Tầng 3 gồm ban công khán giả, phòng đặt máy chiếu phim và thuyết minh.

Rạp đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch kiến trúc trung tâm thành phố, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân thủ đô.

Rạp Đại Nam

 

Để chào mừng Đại lễ của dân tộc, thành phố Hà Nội đã quyết định xây dựng rạp Đại Nam - một trong những công trình văn hóa trọng điểm của thủ đô, với mong muốn đây sẽ là ngôi nhà mới của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ngày 6/10/2010, rạp Đại Nam (89 phố Huế, Hoàn Kiếm) đã tổ chức Lễ khánh thành.

 

Trong khoảng 30 năm cuối của thế kỷ 20 (1965 – 1995), nói đến rạp Đại Nam người ta nghĩ ngay đến đoàn chèo Hà Nội. Rạp hát Ðại Nam đã trở thành địa chỉ và là thương hiệu của "chèo Hà Nội". Tuy nhiên, đến những năm 90 của thế kỷ 20, rạp Ðại Nam bị xuống cấp nghiêm trọng rồi bị phá dỡ, đoàn chèo Hà Nội phải chuyển sang số nhà 15 Nguyễn Ðình Chiểu để làm sân khấu nhỏ với sức chứa gần 200 chỗ ngồi. Việc xây dựng lại rạp Ðại Nam là một quyết định đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của khán giả yêu chèo ở thủ đô.

 

Rạp Đại Nam được xây dựng mới với quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó phòng biểu diễn đa năng có 450 chỗ, tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Đây là một trong số 14 công trình trọng điểm được UBND thành phố Hà Nội triển khai phục vụ Đại lễ.

 

Rạp được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí vừa tôn trọng cảnh quan, đảm bảo tính thẩm mỹ, có kiến trúc mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng vẫn đảm bảo tính công năng hiện đại, phù hợp với việc biểu diễn chèo - môn nghệ thuật truyền thống có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Hà Nội.

 

 

Rạp Kim Đồng

Nằm trên tuyến phố trung tâm (19 Hàng Bài - quận Hoàn Kiếm), rạp Kim Đồng được xây dựng cùng thời với rạp Đại Nam, rạp Tháng Tám. Trước năm 1975, rạp có tên gọi là rạp Cine Minh Châu. Sau năm 1975 có thời gian rạp lấy tên là Cine Tuổi trẻ và đổi tên là Kim Đồng cho đến ngày nay. Những năm 1980, đây là rạp chiếu phim dành riêng cho thiếu nhi. Rạp Kim Đồng được khởi công xây dựng lại vào ngày 12/4/2009 và khánh thành vào ngày 6/10/2010 trong không khí tưng bừng của dịp Đại lễ.

Rạp Kim Đồng mới nằm trên khu đất có diện tích gần 1.000m², có 6 tầng nổi và 2 tầng hầm với tổng diện tích sàn khoảng 6.200m². Kinh phí đầu tư của dự án khoảng 156 tỷ đồng, gồm các không gian chính: khu chiếu phim, biểu diễn đa năng, trung tâm nghe nhìn, khu giải trí, khu dịch vụ đa năng... Với sự đầu tư đồng bộ các thiết bị hiện đại, rạp Kim Đồng có một sân khấu biểu diễn đa năng đạt tiêu chuẩn để biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật, một phòng chiếu phim 4D hiện đại vào bậc nhất Việt Nam hiện nay (với 40 chỗ ngồi) và 2 phòng chiếu phim 2D (475 chỗ và 150 chỗ ngồi). Tầng 6, nơi có thể ngắm cảnh Hồ Gươm và phố phường xung quanh, được sử dụng làm quán bar, nơi thư giãn và phục vụ tổ chức các sự kiện.

Rạp Kim Đồng đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm chiếu phim chất lượng cao, trung tâm hoạt động văn hóa, dịch vụ phim ảnh băng hình cho thanh thiếu nhi và khách du lịch nằm trong tuyến du lịch Hồ Gươm. Rạp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời điểm này sẽ là điểm thu hút giới trẻ thủ đô và cả nước.

Nhà hát ngoài trời Công viên Tuổi trẻ

Công trình Nhà hát ngoài trời Công viên Tuổi trẻ chính thức được khánh thành và gắn biển công trình 1.000 năm Thăng Long vào ngày 8/10/2010.

Nằm trong khuôn viên rộng và thoáng đãng tại trung tâm khu đất phía đông, Nhà hát ngoài trời được thiết kế theo hình dẻ quạt tạo cho Công viên Tuổi trẻ Thủ đô một không gian đậm đà màu sắc truyền thống mà vẫn duyên dáng và tinh tế.

Với tổng diện tích 3327m² trên khu đất hơn 7000m², Nhà hát là một tổ hợp bao gồm sân khấu trình diễn nghệ thuật, hội họa, vui chơi giải trí, dịch vụ đa chức năng mới lạ, hấp dẫn đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân thủ đô.

Điểm nhấn của công trình là sân khấu ngoài trời với sức chứa lên đến 1500 người. Được thiết kế với mái che đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng hệ thống thiết bị hiện đại, có thể mở ra, đóng vào linh hoạt, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết khác nhau, sân khấu ngoài trời tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô sẽ là một công trình lớn của Việt Nam. Ngoài ra, ở đây còn có đài phun nước và hệ thống nhạc nước lung linh đầy màu sắc, hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Công trình chính thức hoạt động đúng vào dịp Đại lễ Hà Nội nghìn năm tuổi với các màn biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, trình diễn nhạc nước sôi động và triển lãm tranh của các họa sỹ trẻ có tên tuổi ở Hà Nội.

                                                            Bài: Phạm Phương; Ảnh: Huy Hoàng

Trung tâm Thông tin Du lịch