Sáng ngày 9/11/2010, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Các đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP, đã tới dự.
Ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 32 về việc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau 12 năm cùng với sự chuẩn bị tích cực của UBND TP Hà Nội, sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương và nhân dân cả nước, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn vè quốc tế.
Giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội được tôn vinh và lan tỏa
Theo đánh giá của Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại lễ đã được tổ chức thành công trên 5 phương diện, đó là những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử được tôn vinh, mang tầm quốc gia và quốc tế. Thể hiện ở việc Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều di sản của Hà Nội được thế giới công nhận như: 82 bia đá tiến sỹ triều Lê - Mạc được công nhận là di sản tư liệu thế giới, khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới… Hà Nội cũng có quan hệ hữu nghị, hợp tác với trên 60 thủ đô, thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ… qua đó mở rộng giao lưu, hợp tác và quảng bá hình ảnh thủ đô Hà Nội tới bạn bè quốc tế.
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Tiêu biểu như: dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” được khánh thành trong dịp Đại lễ và được trao bằng kỷ lục Guinness thế giới; Công ty XQ Đà Lạt tặng bức tranh thêu tay có kích thước 3m x 4m mang tên “Ước nguyện ngàn năm”; Hội di sản văn hóa Lam Kinh phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện dự án đúc 100 trống đồng bằng phương pháp thủ công; Công ty vàng bạc đá quý DOJI trao tặng “Bảo ngọc linh quy” và nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân có những món quà, hoạt động ý nghĩa trong dịp Đại lễ.
Bên cạnh đó, cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn hóa nghệ thuật với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thu được nhiều kết quả có giá trị với 241 ca khúc, 134 tác phẩm bằng thơ, 1 kịch bản phim, 1 tác phẩm bút ký, 40 bài vọng cổ cải lương; cuộc thi ảnh và videoclip “Hà Nội trong trái tim tôi” đã nhận được hơn 1,1 nghìn file ảnh tham dự… qua các hoạt động đó đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bồi đắp và hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, lòng tin yêu Đảng và chế độ của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước.
Ngoài ra, trong dịp Đại lễ đã có 102 công trình được khánh thành, gắn biển và đưa vào sử dụng, trong đó có 71 công trình của Hà Nội, 20 công trình của các bộ, ngành Trung ương và 11 công trình của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều công trình có ý nghĩa giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội lớn như: Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, cầu Vĩnh Tuy, Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình… và một số công trình được khởi công chào mừng Đại lễ như: tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn, Nhà hát Thăng Long… đã tăng cường một bước quan trọng, có tính chất đột phá về tiềm lực vật chất, tinh thần, tạo động lực để Thủ đô và đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.
Tiếp tục phát huy thành công của các hoạt động kỷ niệm Đại lễ
|
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức trang trọng, tiết kiệm và thành công tốt đẹp. Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và quảng bá kết quả của việc tổ chức thành công những hoạt động kỷ niệm, chào mừng Đại lễ và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục khơi dậy ý thức tự giác, lòng tự hào của nhân dân Thủ đô và cả nước về truyền thống văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh kết hợp với các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường để thủ đô Hà Nội luôn xanh, sạch, đẹp.
Đối với các công trình, dự án kỷ niệm đã hoàn thành, cần sớm bàn giao và đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả giá trị các công trình để phục vụ đời sống nhân dân. Đối với các công trình đã khởi công trong dịp Đại lễ, yêu cầu các chủ đầu tư triển khai thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
|
Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao bằng khen cho các đơn vị |
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Bí thư Thành ủy cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới các tập thể, cá nhân đã có những đóng góp làm nên thành công chung của Đại lễ.
Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã trao cờ thi đua xuất sắc cho 52 đơn vị, trao bằng khen cho 23 tập thể và 19 cá nhân có những đóng góp quan trọng vào những hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.