Động Âm Phủ ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn
Cập nhật: 18/06/2007
Ngũ Hành Sơn, từ ngàn xưa đã được xem là Nam Thiên Danh Thắng, là cái rốn của vũ trụ theo thuyết âm dương ngũ hành.
Du khách đến Ngũ Hành Sơn không những được lễ chùa, trẩy hội mà còn có dịp thưởng ngoạn những vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng. Hệ thống hang động trong quần thể Ngũ Hành Sơn là cả một thế giới kỳ bí. Với sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên, động Âm Phủ được xem là một trong những hang động lớn và huyền bí trong quần thể hang động ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Động Âm Phủ có tên từ thời vua Minh Mạng (đầu thế kỷ 19), khi nhà vua vi hành đến ngọn núi này. Theo thuyết âm dương, trong đời sống con người và vạn vật luôn tồn tại hai mặt đối lập : có ngày phải có đêm, có sinh phải có tử. Vì thế, trên ngọn Thủy Sơn có đường lên trời thì dưới chân có động xuống Âm Phủ. Trong động Âm Phủ có nhiều truyền thuyết vừa thực, vừa ảo. Thực ở đây là con người ai cũng có một lần sinh và một lần tử, còn ảo ở đây là sự phân xử của tạo hóa về cái thiện và cái ác của kiếp con người. Bởi trong động Âm Phủ được chia làm hai ngách, đó là ngách lên trời và ngách xuống âm phủ. Âm phủ là thế giới của người chết. Theo giáo lý của đạo Phật, chết không phải là hết mà là sự chuyển tiếp để đầu thai về cảnh giới khác. Người tích thiện nhiều sẽ được siêu thoát, kẻ gây nên tội ác sẽ bị đọa đày. Thiện và ác đến đây sẽ được phân minh. Theo định luật âm ty, con người trước khi chết, các linh hồn phải qua chiếc cầu Âm Dương trên sông Nại Hà định mệnh.
Theo truyền thuyết, sông Nại Hà có dòng nước đen ngòm, có nhiều thuồng luồng, cá sấu, rắn độc và thú dữ. Dòng sông được chia làm 2 phần : bên sinh và bên tử. Nếu tại thế gian, ai làm điều thiện thì khi mất, linh hồn người đó sẽ được Long Thần Hộ Pháp đưa qua cầu nhẹ nhàng, thanh thản. Ngược lại, ai làm điều ác sẽ bị chó dữ rượt đuổi, xô đẩy xuống sông, làm mồi cho các loài thú dữ. Cầu Âm Dương trên sông Nại Hà là cửa ngõ đi vào động Âm Phủ. Động Âm Phủ còn có truyền thuyết rằng : Bà Thanh Đề, khi sống gây nhiều tội ác nên lúc chết bị đày xuống ngục này. Con trai bà là Mục Kiền Liên, một chân tu đắc đạo, nhưng do nghiệp chướng của mẹ quá nặng nên Ngài không thể cứu thoát được mẹ. Song, Mục Kiền Liên vẫn tâm nguyện luyện tu để chuộc tội cho mẹ. Cứ thế, hằng năm đến rằm tháng 7, Mục Kiền Liên lại đi tìm mẹ để được báo hiếu công đức sinh thành. Từ câu chuyện Mục Kiền Liên tìm mẹ để báo hiếu đầy cảm động này, nên rằm tháng 7 hằng năm được gọi là ngày báo hiếu, là đại lễ Vu Lan của Phật giáo ngày nay.
Với giá trị độc đáo về tự nhiên, về lịch sử và các truyền thuyết dân gian cũng như ý nghĩa Phật tích, động Âm Phủ được xem là điểm đến tham quan đầy ấn tượng của mọi du khách trong và ngoài nước khi đến Ngũ Hành Sơn.
Sở Du lịch Đà Nẵng
|
|
|