Đặc sản Đồng Tháp đủ vị chua, cay, mặn, ngọt hút khách tìm mua
Cập nhật: 07/11/2024
Không chỉ gây ấn tượng về mặt thị giác, món đặc sản Đồng Tháp nức tiếng này còn hấp dẫn du khách bởi mùi vị thơm ngon, đủ mặn, ngọt, chua, cay.

Nhắc đến đặc sản Đồng Tháp, không thể không kể đến món nem Lai Vung nức tiếng.

Món ăn này từng lọt top 10 đặc sản nem chả nổi tiếng Việt Nam (2012), được bình chọn trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất (2013) và top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020-2021) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố.

Tháng 11/2023, “Nghề làm nem Lai Vung” cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    

Nem Lai Vung - đặc sản Đồng Tháp hấp dẫn cả về thị giác, khứu giác lẫn vị giác. Ảnh: Nem Chí Tâm

Không giống các loại nem thường thấy ở nhiều tỉnh thành, khu vực khác trên cả nước, nem Lai Vung nổi bật với lớp thịt màu đỏ hồng tươi, được lót lá vông và có thêm tiêu đen, tỏi trắng làm điểm nhấn.

Đặc biệt, mỗi chiếc nem đều có sự hòa quyện của 4 vị mặn, ngọt, chua, cay, hấp dẫn thực khách ở cả thị giác, khứu giác lẫn vị giác.

Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Ngọc Thúy – chủ một cơ sở chế biến nem ở huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nguyên liệu làm món nem này gồm thịt lợn, bì (da) lợn, lá vông, tỏi, ớt, hạt tiêu.

Tuy được làm từ các nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm tại địa phương nhưng nem Lai Vung đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, kỳ công từ khâu chuẩn bị nguyên, phụ liệu, sơ chế cho đến phối trộn, ủ nem rồi đóng gói, bảo quản nem thành phẩm.

Các nguyên liệu làm nem Lai Vung. Ảnh: @nekotaro_saigon

Theo chị Thúy, để làm nem Lai Vung chất lượng, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đầu vào rất quan trọng. Thịt làm nem phải là thịt tươi mới ra lò còn ấm nóng, dẻo, lấy từ phần thịt thăn của đùi sau hoặc nạc mông vì mềm và ít gân.

Sau khi chọn được thịt ngon, người ta cho thịt vào cối đá giã nhuyễn, còn bì lợn đem luộc, thái sợi rồi trộn đều với nhau. Thịt và bì sẽ được phối trộn theo công thức 8 phần thịt, 2 phần bì, nêm thêm muối, đường, hạt tiêu, bột ngọt,… với tỉ lệ phù hợp.

Chị Thúy cho hay, tùy bí quyết từng nhà, từng người mà có cách trộn gia vị khác nhau song vẫn phải đảm bảo nem có hương vị hòa quyện của 4 vị chua, cay, mặn, ngọt.

So với một số loại nem khác được lót bằng lá ổi, nem Lai Vung được gói trực tiếp bằng lá vông hoặc chùm ruột. Đây là 2 loại lá giúp thịt lên men nhanh và tạo hương vị thơm ngon khi thưởng thức.

Bên ngoài, người ta bọc nem bằng lá chuối xiêm vì có độ dẻo dai, mềm và màu đẹp.

“Sau khi đặt nem lên bề mặt lá vông, người ta nhấn thêm hạt tiêu và ớt vào giữa rồi cho tiếp một lát tỏi lên trên. Nem được gói gọn trong lá vông sao cho thật khéo, không để thịt lộ ra bên ngoài để đảm bảo thẩm mỹ và giúp nem lên men tự nhiên”, chị Thúy nói.

Nem tự lên men, sau vài ngày là có thể ăn được. Ảnh: Khói Lam Chiều

Nem Lai Vung được gói thành từng viên hình vuông, nhỏ cỡ 3 đầu ngón tay chụm lại. Sau khi gói, nem được buộc thành từng chùm 10 chiếc, giá khoảng 30.000 đồng/chùm.

Những thực khách từng thưởng thức nem Lai Vung nhận xét, đặc sản này có thể ăn trực tiếp hoặc kết hợp với bún, bánh mì, bánh tráng.

Phần thịt có màu đỏ hồng tươi nhờ quá trình lên men tự nhiên, vị chua thanh, hơi ngọt, hòa quyện với chút nồng cay từ tỏi, hạt tiêu, đủ sức hấp dẫn cả những vị khách khó tính.

Thảo Trinh

Báo VietnamNet - vietnamnet.vn - Đăng ngày 06/11/2024