Con đường đã từng một thời mang tên Nam bộ
(nay là phố Lê Duẩn) có một dáng vẻ hết sức bình thường. Tất nhiên đó là con
phố rất dài. Nhưng nó chẳng có những kiến trúc thanh lịch như Tràng Tiền hay
cái sôi động buôn bán như Hàng Bạc.
Tuy nhiên,
xem xét kỹ hơn, đặc biệt là từ góc độ giao thông đi lại, con phố mang đầy ý
nghĩa lịch sử. Con phố này là chặng đường đầu tiên trên con đường lớn xuyên
suốt Việt Nam.
Chẳng có biển báo hoặc tượng đài nào cho biết điều này, nhưng đường Lê Duẩn bao
giờ cũng là cổng mở của Hà Nội về phía Nam đất nước. Và câu chuyện hướng Nam là khúc tráng ca của Việt Nam.
Và con phố
này chính là đối tượng nghiên cứu của một nhà Hà Nội học nghiệp dư, một sử gia
kinh tế chuyên nghiệp: Đặng Phong (1937 – 2010). Với ông “… Lịch sử Hà Nội là
vấn đề lớn mênh mông, có bao nhiêu cuốn sách có lẽ cũng không nói hết được…
Hình như cứ càng nghiên cứu rộng thì rất có thể càng ‘xa’ Hà Nội.” Vậy nên ông
chọn cách ‘zoom’ vào từng đường phố, từng khu chợ, thậm chí một vài ngôi nhà
trên từng đường phố cụ thể và phương pháp là cắt lớp lịch sử.
Để tưởng
nhớ và tri ân tới cố giáo sư Đặng Phong, đồng thời ra mắt cuốn sách cuối cùng
trước khi ông qua đời, Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố, Nhà xuất
bản Tri thức, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Trung tâm Văn hóa Pháp sẽ tổ chức tọa
đàm và triển lãm Nghìn năm – Một đường phố vào ngày 1/12/2010 Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp,
24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Dựa
trên các tư liệu lưu trữ, ảnh, bản đồ, triển lãm và tọa đàm Nghìn năm –
Một đường phố sẽ kể lại những câu chuyện lịch sử đã diễn ra, có liên quan đến
một con đường trong 1000 năm đồng hành cùng Thăng Long–Hà Nội.