Du lịch các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ: Liên kết phải theo hướng chuyên đề
Cập nhật: 21/12/2010
Duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và biển; vùng gần thành phố Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, là cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. 

Một trong những thế mạnh lớn nhất của vùng, đó là tiềm năng du lịch biển với những bờ biển đẹp, như biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), biển Cửa Đại, Tam Thanh (Quảng Nam), biển Mỹ Khê, biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), biển Quy Nhơn (Bình Định), biển Tuy Hòa (Phú Yên), biển Nha Trang (Khánh Hòa)...

Mỹ Sơn - một trong những điểm nhấn mới trong tuyến du lịch theo hướng chuyên đề

Kéo dài dọc tuyến từ Đà Nẵng vào đến Nha Trang, hầu như địa phương nào cũng có những danh thắng, di tích mang giá trị mặt văn hóa, lịch sử, tâm linh và nghỉ dưỡng như danh thắng Bà Nà, làng đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), Di sản văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), bệnh xá Đặng Thùy Trâm, danh thắng Núi Ấn - Sông Trà, mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Bảo tàng Quang Trung, Khu du lịch Gành Ráng, Đồi thi nhân, mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, Bãi đá Trứng (Bình Định), di tích lịch sử tàu “không số” Vũng Rô, Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện (Phú Yên), Suối bùn khoáng Tháp Bà, Viện Hải dương học (Nha Trang)... Nếu được khai thác hợp lý, tin rằng vùng Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương.  

Một điều dễ nhận thấy, muốn phát triển bền vững ngành du lịch thì bên cạnh tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch như các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ cũng cần tăng cường công tác thông tin đối ngoại, thông tin du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, vùng cũng phải đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu du lịch Nam Trung Bộ tại một số quốc gia trên thế giới.  

Việc liên kết du lịch vùng là một điều tất yếu. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam: “Chúng ta không nên kỳ vọng quá đến sự liên kết mà mỗi tỉnh phải biết chọn ra những chuyên đề du lịch nổi bật để liên kết, có như vậy du khách khi đến với Nam Trung Bộ sẽ ở lại lâu hơn, các tỉnh sẽ thu được nhiều tiền hơn, quảng bá được các sản phẩm du lịch hơn cho ngành du lịch, góp phần khai thác hợp lý và hiệu quả nhất tiềm năng du lịch của vùng Nam Trung Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung”.  

Tiềm năng du lịch biển thì rất nhiều và quanh năm nhưng để phát huy hết thì mỗi tỉnh cần kết hợp giữa du lịch biển với những yếu tố văn hóa, lịch sử, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nâng cao tính cạnh tranh. Ngoài những tour du lịch sẵn có ở mỗi địa phương như tour “Lặn biển ngắm san hô”, tour “Lên rừng xuống biển”, tour “Câu cá cùng ngư dân” ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Hay tour “Một ngày làm cư dân phố Hội với nghề làm đèn lồng”, tour “Khám phá Cù lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ” (Quảng Nam), tour “Du ngoạn biển về đêm”, tour “Lặn biển” (Nha Trang)... thì các tỉnh nên có những tour liên kết theo hướng chuyên đề. Đó có thể là các chuyên đề về tour biển, đảo, tour lướt thuyền buồm, tour văn hóa Chăm hay những tour theo dòng lịch sử…  

Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển thì tỉnh nào cũng có. Khi đến nghỉ dưỡng, du khách không thể nghỉ ở Đà Nẵng hay Nha Trang từ 5 đến 7 ngày, v.v… Chỉ có những tour du lịch theo hướng chuyên đề, như tour tham quan, khảo sát kiến trúc Chămpa cổ mà ở mỗi tỉnh đều có thể bắt tay cùng làm: Đà Nẵng có Bảo tàng điêu khắc Chămpa, Quảng Nam có Thánh địa Mỹ Sơn, Phú Yên có Tháp Nhạn, Nha Trang có tháp Bà Ponagar… mới có thể lôi kéo du khách ở lại với Nam Trung Bộ. Vì vậy, việc mỗi tỉnh chọn ra cho mình những sản phẩm du lịch chủ đạo có khả năng liên kết là điều rất cần thiết.

Năm 2011 - Năm du lịch Quốc gia với hơn 30 sự kiện, chương trình mang tầm quốc tế. Đáng chú ý là Liên hoan ca nhạc châu Á, Liên hoan hợp xướng quốc tế, Hội thi bắn pháo hoa quốc tế, Đua thuyền buồm quốc tế, Đêm giao lưu văn hóa Việt-Hàn... chắc hẳn sẽ là bước đột phá trong ngành du lịch Việt Nam. Là vùng có nhiều tiềm năng du lịch biển, đảo, song một hạn chế chung mà hầu hết các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ mắc phải đó là chưa đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch. Chính vì vậy, trong năm 2011, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ cần liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc đầu tư, bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bằng những sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. “Việc lựa chọn Phú Yên làm tâm điểm cho Năm du lịch Quốc gia 2011 không chỉ nhằm quảng bá, tuyên truyền cho du lịch Việt Nam nói chung, mà còn giúp các vùng miền, địa phương nói riêng giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy lượng khách nội vùng và tạo cơ hội xúc tiến đầu tư” - Bà Thanh Hương cho biết thêm.  

Năm 2011, Phú Yên đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia với mong muốn người dân trong nước và bạn bè thế giới biết đến, xem đây là “cú hích” thúc đẩy Phú Yên phát triển du lịch biển, đảo. “Chúng tôi đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho các công tác quảng bá, hoàn thiện hạ tầng, cơ sở văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Trong thời gian tới, với các sản phẩm du lịch độc đáo của mình, mong rằng sẽ lôi kéo du khách ở lại với Phú Yên lâu hơn. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Phú Yên sẽ là một điểm đến lý tưởng để du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá.” - Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên, chia sẻ.

Báo Đà Nẵng