Tiềm năng và thách thức của du lịch Hà Nội
Cập nhật: 22/12/2010
Trong Hội nghị giới thiệu tiềm năng và xúc tiến đầu tư du lịch Hà Nội vừa diễn ra sáng ngày 17/12/2010, tại Bảo tàng Hà Nội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức, bên cạnh việc nêu lên những tiềm năng và thành quả của du lịch Thủ đô trong năm 2010, Hội nghị cũng phân tích những yếu kém đang trở thành “rào cản” cho bước phát triển của du lịch Thủ đô trong năm qua.

Thủ đô Hà Nội với lợi thế là trung tâm văn hóa – chính trị - kinh tế - xã hội, nơi tập trung nhiều di sản văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực… của cả nước, đã trở thành điểm đến lí tưởng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2010, Hà Nội đã đón khoảng 1,2 triệu lượt khách quốc tế và 10,6 triệu lượt khách nội địa, chiếm 1/3 tỷ trọng du lịch của cả nước.  

Tại Hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của các công trình văn hóa, các di tích lịch sử của thành phố trong phát triển du lịch của Thủ đô. Trong đó những công trình, di tích văn hóa lịch sử trọng điểm được đưa vào công tác nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới bao gồm: Công trình con đường gốm sứ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu di tích Hương Sơn, làng cổ Đường Lâm, chùa Tây Phương, chùa Thầy và nhiều các đình, đền, chùa ở Hà Nội.    

Các đại biểu còn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hai di sản văn hóa lớn của Hà Nội, đó là: Khu di tích Hoàng thành (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới) và Văn miếu Quốc Tử Giám (hệ thống các văn bia tiến sỹ thời Lê Mạc tại đây đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức của nhân loại).  

Ngoài ra, theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 800 cơ sở lưu trú, trong đó có 213 khách sạn trên địa bàn được xếp hạng. Kinh doanh khách sạn là lĩnh vực thu hút nhanh và mạnh nguồn vốn đầu tư của nước ngoài.  

Bên cạnh những tiềm năng lớn, du lịch Thủ đô đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm thế nào để giải đáp bài toán cung – cầu trong mùa cao điểm khi lượng khách gia tăng mà hệ thống khách sạn còn thiếu, chưa đáp ứng được khả năng lưu trú của du khách? Làm thế nào để biến những di sản văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch riêng biệt và mới lạ trong khi kinh phí đầu tư cho việc quảng bá xúc tiến lại quá ít ỏi? Đó là những câu hỏi lớn đặt ra cho ngành du lịch Hà Nội.  

Để khắc phục những hạn chế trên, Hội nghị đã tập trung bàn luận và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực về các vấn đề tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, việc xây dựng quy hoạch phát triển khoa học, nghiên cứu dự báo chính xác cung và cầu của ngành du lịch, …    

Cùng với việc làm thay đổi nhận thức từ các cấp quản lý, người dân và những người làm du lịch, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang tiến hành chuẩn hóa việc thuyết minh toàn bộ di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long với tiêu chí thể hiện sự sống động của văn hóa Hà Nội theo chiều dài lịch sử 1000 năm. Đồng thời,  Sở sẽ tổ chức tập huấn cho các thuyết minh viên, hướng dẫn viên và xây dựng tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp du lịch. Tương tự, tài liệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ từng bước chuẩn hóa để phục vụ du khách tốt hơn.  

Định hướng của Thủ đô Hà Nội trong những năm tới chính là khai thác tối ưu các giá trị tài nguyên tự nhiên, các giá trị di sản văn hóa – lịch sử nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội. Năm 2011 sẽ được coi là “Năm du lịch xanh” của Thủ đô Hà Nội.

Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp