Từ năm 2008, tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang đã có nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch với chủ đề “Về nguồn Việt Bắc”. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
|
Du khách thăm Lán Nà Lừa |
Năm 2010, thành phố Tuyên Quang đón 99.414 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 13 lần so với năm 2009; doanh thu đạt 31 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng, gấp 1,55 lần so với năm 2009. Trong đó, khách du lịch nội địa là 98.305 lượt, khách quốc tế là 1.109 lượt. Các hoạt động dịch vụ, du lịch của thành phố được định hướng và phát triển nhanh cả về quy mô và hình thức. Các điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa được đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Nhằm đẩy mạnh chương trình này, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái Tân Trào; Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch sinh thái Nà Hang; Các điểm du lịch thác Bản Ba, Động Tiên... Cùng với đó là định hình các làng văn hoá du lịch: Tân Lập (Sơn Dương), Giếng Tanh, chợ văn hóa Nà Ho (Yên Sơn).
Để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch như: tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất và con người Tuyên Quang trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2007, 2008, 2009 và 2010 gắn với từng chủ đề cụ thể.
Đặc biệt Tuyên Quang quan tâm đến vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, bưu chính viễn thông, hình thành các tuyến du lịch, xây dựng các khu dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí.
Hàng năm tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức nhiều hoạt động lễ hội mùa xuân như: Lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Cầu mùa, lễ hội đình Giếng Tanh, lễ hội chùa Hang, lễ hội Động Tiên và chợ Quê; lễ hội Tân Trào... mang đậm dấu ấn văn hoá của cư dân địa phương, góp phần làm nên những diện mạo, sắc thái riêng của du lịch Tuyên Quang.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hoá của địa phương như: Lán Nà Lừa - nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, Lán Điện đài, di tích Đội Cứu quốc quân III, di tích chiến thắng Cầu Cả, Khe Lau... ); Khu di tích xã Kim Quan (huyện Yên Sơn) với 15 di tích (như: Các căn hầm an toàn của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ... Khu di tích xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 2/1951)...
Ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang đã khảo sát và đang hình thành các tuyến, điểm du lịch, trong đó có các tuyến: thành phố Tuyên Quang - Bình Ca - Tân Trào - Kim Quan; thành phố Tuyên Quang - Chiêm Hoá - Nà Hang - Hàm Yên; thành phố Tuyên Quang - Đá Bàn.
Cùng với đó, ngành cũng chú trọng tới việc phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng nghề như làm chổi chít, mây giang đan ở phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang), dệt thổ cẩm Tân Trào (Sơn Dương); rượu ngô Nà Hang, gạo thơm Minh Hương, thịt trâu khô, cam sành Hàm Yên...
Cùng với phát huy nội lực, Tuyên Quang tăng cường việc liên kết với các tỉnh bạn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang và UBND tỉnh Bắc Kạn đã thống nhất chương trình bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực hồ Ba Bể - điểm giáp ranh với huyện Nà Hang, qua đó tạo thành vùng và tour du lịch sinh thái hồ Ba Bể - hồ thủy điện Tuyên Quang.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phối hợp với các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang tổ chức thường niên và nâng cao chương trình du lịch “Về nguồn Việt Bắc”.
Hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch đã tạo động lực, cơ hội và những thách thức để ngành du lịch tỉnh ta bứt phá, hướng tới việc liên kết với sáu tỉnh Việt Bắc cũng như chương trình liên kết du lịch quốc gia.