Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế du lịch Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai
Cập nhật: 21/01/2011
Tháng 8/2004, lãnh đạo ba tỉnh đã ký hợp tác phát triển du lịch với nguyên tắc: tự nguyện - bình đẳng - hiệu quả - cùng có lợi. Qua 5 năm tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn, Du lịch Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Những kết quả nổi bật

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết, chương trình hợp tác phát triển du lịch với Yên Bái, Lào Cai thời gian qua đã giúp điểm đến Phú Thọ hấp dẫn hơn trong mắt du khách, góp phần phát triển du lịch nói riêng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Hiện Chương trình đã trở thành “thương hiệu riêng” của ba tỉnh, góp phần khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên du lịch. Nhiều sản phẩm, dịch vụ đơn lẻ đã được xâu chuỗi thành tour khép kín. Mô hình hợp tác của ba tỉnh đã dành được sự quan tâm của nhiều địa phương trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch mang tính liên vùng; thu hút hàng trăm tỷ đồng của các nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh, dịch vụ, vận chuyển, lưu trú...

                                 Lễ hội đền Hùng

Riêng trong năm 2010, Du lịch Phú Thọ đã thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế 85 tỷ đồng xây dựng 21 cơ sở lưu trú; Đầu tư hạ tầng du lịch 130,4 tỷ đồng. Từ 2005 đến 2010, ngành Du lịch Phú Thọ đã đón và phục vụ trên 23 triệu lượt khách (đạt tốc độ tăng trưởng là 18,7%) ; trong đó khách tại các cơ sở lưu trú ước đạt 1,9 triệu lượt ; khách quốc tế đạt trên 16 nghìn lượt. Tổng doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng (đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 13%/năm).

Chương trình cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống dân tộc; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc, khai thác phát triển du lịch theo hướng bền vững. Việc phối hợp giữa các tỉnh đã hình thành một số tuyến du lịch hấp dẫn du khách, thu hút được các hãng lữ hành du lịch lớn đến khảo sát và đưa vào các chương trình du lịch chào bán cho du khách như: điểm du lịch sinh thái VQG Xuân Sơn với các tour du lịch khám phá, thăm rừng nguyên sinh, leo núi, thăm hang động...; các dịch vụ tắm nước khoáng, nghỉ dưỡng khu nước khoáng nóng Thanh Thủy. Ngoài ra, Phú Thọ đã xây dựng hồ sơ Hát Xoan đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới; xây dựng các CLB Hát Xoan, tạo điểm đến mới thu hút du khách tham quan, nghiên cứu tìm hiểu.

Thế mạnh của Du lịch Phú Thọ

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân: Phú Thọ là vùng đất cổ hội tụ nhiều giá trị di sản văn hoá đặc sắc, độc đáo, bởi nơi đây là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Trên mảnh đất này còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa gắn với thời đại các Vua Hùng tạo nên diện mạo văn hóa của vùng đất Tổ mà không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác.

Phú thọ có hơn có 1.370 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích Lịch sử Đền Hùng là di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt. Di tích khảo cổ thời tiền sử và sơ sử như Làng Cả, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn... chứa đựng nhiều dấu ấn nền văn minh Việt cổ. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi bật như: Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, đền Hiền Quan; đình Hùng Lô... VQG Xuân Sơn, khu nước khoáng nóng La Phù - Thanh Thuỷ, Đầm Ao Châu, khu Ao Giời - Suối Tiên mở ra triển vọng lớn cho phát triển các loại hình du lịch. Cùng với 260 lễ hội dân gian và hiện đại đặc sắc, tiêu biểu như: Lễ hội Đền Hùng, Bạch Hạc, Chu Hóa... cộng với sắc thái văn hóa độc đáo của 21 dân tộc anh em là tiềm năng to lớn trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh trong những năm tới.

Định hướng của Phú Thọ trong việc hợp tác phát triển du lịch với Yên Bái, Lào Cai thời gian tới

Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai là một chương trình mang ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn. Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa thành công của Chương trình trong thời gian tới, Du lịch Phú Thọ xác định cần tập trung xây dựng và nâng chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng các điểm du lịch với các phân điểm chức năng có sức hấp dẫn, khả năng thu hút khách cao như: Nam Đền Hùng, Nước khoáng nóng Thanh Thủy, VQG Xuân Sơn với các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng và sinh thái độc đáo để thu hút du khách; cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt đáp ứng, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đẩy mạnh liên kết trong xây dựng các tuyến du lịch với các chủ đề phù hợp trên cơ sở nối các điểm du lịch đặc trưng tạo nên các tuyến du lịch chung hấp dẫn của 3 tỉnh, trước mắt là tạo thương hiệu cho tuyến du lịch chính: Đền Hùng - Thác Bà – Sa Pa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho ba tỉnh ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch, dần từng bước xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai cùng 5 tỉnh khu vực Tây Bắc tham gia ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc mở rộng nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực bằng các chương trình, nội dung phát triển du lịch riêng của mỗi tỉnh, phù hợp với thỏa thuận phát triển chung . Đây là một chương trình mang ý nghĩa và tầm quan trọng lớn, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế du lịch khu vực Tây Bắc phát triển.

Có thể khẳng định, với tiềm năng và những cơ sở trên, các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Phú Thọ đã và đang làm phong phú thêm nguồn tài nguyên nhân văn, là cơ sở tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và là cơ hội để du lịch Phú Thọ phát triển nhanh và toàn diện.
Báo Du lịch