Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, năm Du lịch Quốc gia 2010 được tổ chức tại Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của các cấp, các ngành và nhân dân. Đặc biệt là được sự chỉ đạo của Chính phủ cho phép lồng ghép các hoạt động, sự kiện của năm Du lịch Quốc gia vào chương trình kỷ niệm Đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội.
Có thể khẳng định rằng, năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Du lịch Hà Nội nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung. Kết quả thành công của Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã tạo cho Du lịch Thủ đô những điều kiện phát triển hết sức thuận lợi về nhiều mặt.
|
Lễ hội Gióng |
Năm 2010 là năm tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội gắn với việc kỷ niệm các ngày lễ lớn như: 80 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm ngày Quốc khánh đất nước. Cũng trong năm 2010, khi Việt Nam là quốc gia giữ vai trò chủ tịch ASEAN, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị tầm khu vực và quốc tế. Hà Nội được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2010 với chủ đề “Thăng Long- Hà Nội, hội tụ ngàn năm”, đó là những điều kiện khách quan không thể thuận lợi hơn cho du lịch Hà Nội, ông Tiến cho biết thêm.
Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến bộ chính đã hoàn thành, để chào mừng Quốc khánh 2.9 và chuẩn bị cho Đại lễ. Thành phố đã đẩy mạnh công tác giữ gìn trật tự, mỹ quan đường phố, công tác trang trí, chỉnh trang hệ thống cây xanh, chiếu sáng, nâng cấp xây mới vườn hoa công viên; các tuyến đường, phố được chăng đèn, kết hoa, bố trí thảm hoa, tiểu cảnh đã làm bộ mặt Thành phố sáng, xanh, sạch đẹp, rực rõ sắc màu. Đặc biệt là Hà Nội được UNESCO công nhận thêm ba di sản văn hóa là Hoàng thành Thăng Long, bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Lễ hội Gióng đã tạo sức hút không nhỏ đối với du khách quốc tế đến với Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng, với nhiều lợi thế trong năm 2010 nhưng du lịch Hà Nội vẫn còn hạn chế cần khắc phục: Công tác xây dựng sản phẩm du lịch chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của du lịch Thủ đô, đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề, làng cổ; Hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm du lịch còn thiếu; Thiếu tính chuyên nghiệp trong một số hoạt động dịch vụ du lịch và công tác quảng bá xúc tiến.