Ngày 18/3/2011, tại cuộc họp về tiến độ xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật “Đờn ca tài tử” (ĐCTT), PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc – đơn vị chủ trì xây dựng hồ sơ khẳng định, hồ sơ quốc gia Nghệ thuật ĐCTT sẽ trình UNESCO đúng thời hạn vào ngày 31/3/2011.
Đáp ứng đầy đủ các tiêu chíPGS.TS. Lê Văn Toàn cho biết, bộ hồ sơ đã được báo cáo với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét và Hội đồng đã đánh giá cao về tính khả thi, xứng đáng được vinh danh. Bên cạnh đó, Ban xây dựng hồ sơ cũng sẽ tiếp tục thẩm định lại những thông tin khoa học nhằm hoàn chỉnh hồ sơ để trình ký và gửi đi sớm trước ngày 31/3.
TS. Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản văn hóa nhận xét, dựa trên các tiêu chí của UNESCO để xem xét, đánh giá và công nhận một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Nghệ thuật ĐCTT của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Theo đó, tính đại diện của Nghệ thuật ĐCTT rất phổ biến. Có những địa phương trước đây Nghệ thuật ĐCTT chưa được phát triển thì nay đã phát triển rộng rãi trong khắp các tầng lớp nhân dân, cụ thể tại Bến Tre số nghệ nhân chơi ĐCTT tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Điều này đã thể hiện rõ ý thức bảo tồn và tài năng sáng tạo của người dân Nam Bộ nói riêng cũng như người dân đất Việt nói chung.
Đặc biệt, Nghệ thuật ĐCTT thể hiện đậm nét bản sắc của cộng đồng người Việt, có sức sống mãnh liệt và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân. Đây chính là tiêu chí quan trọng để UNESCO xem xét công nhận. Ngoài ra, Nghệ thuật ĐCTT là loại hình di sản mang tính cộng đồng cao, mọi người đều có thể tham gia sinh hoạt và hưởng thụ, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay thành phần dân tộc. Không chỉ có người Kinh mà ngay cả các dân tộc anh em như Chăm, Khmer cũng tham gia sinh hoạt biểu diễn ĐCTT ngày càng đông.
Do đó, Nghệ thuật ĐCTT có khả năng được vinh danh. Đây không chỉ là một danh hiệu mà chính là sự khẳng định quyết tâm của Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ loại hình di sản đặc biệt này. Theo Ban xây dựng hồ sơ, ngày 31/3/2011, hồ sơ quốc gia Nghệ thuật ĐCTT phải được đặt trên bàn của Ủy ban UNESCO, nếu chậm thì phải chờ đến kỳ họp lần sau.
Thế giới đã sớm biết đến Nghệ thuật ĐCTTTheo GS. Trần Văn Khê, Cố vấn khoa học cao cấp về xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật ĐCTT, không phải chỉ có người dân Việt Nam mới quan tâm đến Nghệ thuật ĐCTT, ngay cả thế giới cũng đã biết và quan tâm đến loại hình nghệ thuật này từ rất lâu. Ngay từ năm 1972, quốc tế đã biết và quan tâm đến Nghệ thuật ĐCTT của Việt Nam. GS. Trần Văn Khê cho biết, năm 1972 UNESCO đã trực tiếp cử chuyên gia ghi âm và chụp hình lại những bản ĐCTT do chính GS. Trần Văn Khê và Nhạc sư Vĩnh Bảo biểu diễn tại Paris (Pháp). Đến năm 1973, UNESCO tuyển chọn và sản xuất thành đĩa mang nhãn hiệu của UNESCO để phát hành trên thị trường quốc tế.
Theo ông Lê Văn Toàn, những loại nhạc cụ được dùng trong Nghệ thuật ĐCTT như: đàn Ghi ta, đàn Viôlông, đều cho thấy loại hình di sản văn hóa này đã biết kế thừa giữa văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và đã được Việt hóa. Điều này khẳng định Nghệ thuật ĐCTT đã sớm hội nhập với văn hóa thế giới để tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc.