Hội thảo quốc tế về tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam
Cập nhật: 15/04/2011
Ngày 13/4/2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam” tại TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). 

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội Đền Hùng năm 2011 và là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên có quy mô lớn nhất về đề tài này được tổ chức tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải, bà Katherine Muller Marin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ông Hoàng Dân Mạc – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu văn hoá Việt Nam và các nhà nghiên cứu văn hoá đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Canada, Mỹ, Hàn Quốc...    

Với 130 tham luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ 6 vấn đề: phương pháp tiếp cận nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và trên thế giới; tập tục, nghi lễ, giá trị lịch sử, văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam; tập tục, nghi lễ, giá trị lịch sử, văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trên thế giới; sự hình thành, phát triển và giá trị lịch sử, văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; sự biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong xã hội đương đại; bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.    

Thông qua các tham luận, các đại biểu đều đi đến khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hoạt động văn hoá mang tính nhân văn, thể hiện nhu cầu tinh thần của con người luôn hướng về nguồn cội. Sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang đến cho mỗi cộng đồng những bản sắc riêng. Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một tập tục đã có từ lâu đời. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Hùng Vương - những người có công khai mở nhà nước Văn Lang cổ đại – đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, như một điểm tựa tinh thần, tạo nên sự gắn kết bền vững cho quốc gia, dân tộc.  

Các tham luận cũng đã đề cập đến những khía cạnh khác nhau của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giữa các dân tộc, quốc gia, trong đó đặc biệt quan tâm phân tích, so sánh những nét riêng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.  

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp, là cơ sở tham khảo để UNESCO đánh giá, thẩm định hồ sơ, sớm công nhận “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.          

Phạm Phương (TTTTDL)