20 kỷ lục Việt Nam được đề cử cho Sách Kỷ lục châu Á
Cập nhật: 03/06/2011
Sáng 31/5, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã công bố danh sách 20 kỷ lục Việt Nam  thuộc các lĩnh vực văn hóa – tôn giáo, ẩm thực, nghệ thuật... để đề cử vào Sách Kỷ lục châu Á.

                       Chùa Một Cột - Hà Nội
Trong đó, đáng chú ý là 5 kỷ lục thuộc lĩnh vực văn hóa – tôn giáo bao gồm: “Ngôi chùa bằng đồng lớn nhất” (chùa Đồng ở Khu di tích Yên Tử - Quảng Ninh), “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” (chùa Một Cột - Hà Nội), “Ngôi chùa lưu giữ bản kinh Phật giáo bằng gỗ nhiều nhất” (chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang), “Chùa có tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng và bộ tượng Tam Thế bằng đồng dát vàng lớn nhất” (chùa Bái Đính - Ninh Bình).

Nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử (1.068m), với diện tích khoảng 20m², chùa Đồng được làm hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với tổng trọng lượng  gần 70 tấn. Kết cấu chùa gồm 16 cột đồng, trong đó cột cao nhất hơn 3m, cột thấp nhất 2,6m với đường kính 20 - 30cm. Bên trong chùa, trên bệ thờ đặt 4 pho tượng lớn cũng được làm bằng đồng, mỗi pho tượng nặng 4 tấn, gồm tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ là Trần Nhân Tông, Huyền Quang và Pháp Loa. Ngoài ra, trước sân chùa còn có quả chuông bằng đồng nặng 0,44 tấn với chiều cao 1,52m, đường kính 0,9m.    

Chùa Một Cột lại được chú ý bởi kiến trúc cổ độc đáo, được coi là một trong những biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn hiến. Toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên mặt nước. Chùa có hình vuông, mỗi cạnh dài 3m, mái cong, trên đỉnh mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Cột đá gồm 2 khối, thoạt nhìn như một khối đá liền, có đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới nước),  đỡ toàn bộ hệ thống những thanh gỗ tạo khung sườn kiên cố cho ngôi chùa bên trên.  

Được khởi dựng từ thời Lý (thế kỷ 11), chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay còn bảo lưu được một kho “Mộc bản thư khố” đồ sộ nhất Việt Nam với tổng số 3.050 bản khắc gỗ. Trong đó, bộ ván in pho sách “Yên Tử nhật trình” có niên đại cuối thế kỷ 16 được coi là bộ ván in cổ nhất. Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm theo kiểu âm bản (chữ khắc ngược), khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20cm. Hiện nay, ở nước ta, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được coi là kho sách lớn, giá trị và duy nhất.  

Chùa Bái Đính là quần thể chùa được biết đến với nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập, trong đó có 2 kỷ lục được đề cử kỷ lục châu Á, đó là: tượng Phật Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn được đúc bằng đồng dát vàng nặng 80 tấn, cao 9,57m và bộ tượng Tam Thế (quá khứ, hiện tại và tương lai) bằng đồng dát vàng, mỗi tượng nặng 50 tấn, cao 7,2m.    

Bên cạnh các kỷ lục thuộc lĩnh vực văn hóa – tôn giáo, trong đợt đề cử đầu tiên, Vietkings còn đưa vào danh sách một số kỷ lục thuộc lĩnh vực nghệ thuật và ẩm thực như: "Người sưu tập bướm nhiều nhất" (ông Nguyễn Viết Vui), "Nghệ sĩ có nhiều nhạc cụ tự chế độc đáo nhất" (nghệ sĩ Mai Đình Tới), “Người vẽ thư họa danh nhân thế giới nhiều nhất” (ông Lê Quang Vũ)…; "Chiếc bánh nậm lớn nhất", “Bánh dày lớn nhất”, "Bánh tráng nước dừa lớn nhất"...    

Vietkings là cơ quan đại diện tại Việt Nam của Trung tâm sách Kỷ lục châu Á trong việc đề cử và cung cấp thông tin các kỷ lục. Việc đề cử 20 kỷ lục của Việt Nam để trở thành kỷ lục châu Á không chỉ có ý nghĩa khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của các kỷ lục này mà còn góp phần giới thiệu vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới và khu vực.

Phạm Phương (TTTTDL)