Bến Tre: Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ cổ đón nhận danh hiệu Di tích cấp quốc gia
Cập nhật: 12/07/2011
Vừa qua, Sở VHTTDL Bến Tre đã phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đối với di tích Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền) và khu mộ cổ (xã Phú Khánh).

Trước đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1251/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2011 về việc công nhận di tích Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ cổ là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Nhà cổ Huỳnh Phủ Hương Liêm là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ rất độc đáo, mang nét đặc trưng của người dân vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1905 do ông Huỳnh Ngọc Khiêm ( 1843 – 1927) làm nên. Với diện tích trên 500m² (rộng khoảng 17m, dài 25m, cao 5,70m) nhà được xây theo kiểu xuyên trính, hình chữ nhất, ba gian hai chái ba và hai liễm đôi theo kiểu chái bắt vần với liễm. Mái lợp ngói âm dương, mỗi miếng ngói có in hình sinh hoạt dân gian như: con gà, con cua, bó lúa, chú mục đồng cưỡi trâu… trông thật sống động. Nền nhà cao 1m bao quanh nền là những thớ đá hoa cương sang trọng. Hệ thống cột gồm 48 trụ được làm bằng gỗ quý như: lim, cămxe có đường kính 0,40 – 0,50m (kể cả cột chái và cột liễm). Các cột được bố trí theo 8 hàng, mỗi hàng 6 cột, ở nhiều cột có chạm khắc, cấn chữ Nho, văn hoa, họa tiết. Nội thất trong ngôi nhà gần như được bảo tồn nguyên vẹn, trong những gian nhà thờ, những bức hoành phi, câu đối, chuyện xưa tích cũ được sơn son thếp vàng, liễn áp cột cẩn ốc xà cừ trông rất lộng lẫy.

Khu mộ cổ là một công trình kiến trúc nghệ thuật, kết tinh trí tuệ, văn hóa của bậc tiền nhân đi trước, được xây dựng công phu để thiết kế hậu sự cho chủ nhân ngôi nhà. Khu mộ cách ngôi nhà cổ khoảng 3km (thuộc xã Phú Khánh), có diện tích 966m2(34,5m x 28m) được xây dựng vào năm Tân Hợi (1911) để lo hậu sự cho chủ nhân của ngôi nhà. Vật liệu xây dựng toàn bằng đá xanh từ hàng rào bên ngoài cho đến phần lăng mộ bên trong. Đây là một công trình nghệ thuật thể hiện được nét tài hoa của người thợ điêu khắc đá với nhiều hoa văn tinh xảo: dơi, dây leo, quả lựu, mãng cầu… cùng với các con vật như: tùng, lộc, lân, nghê… và nhiều bia, cột trụ đá được khắc chữ Hán.

Được biết, cùng với 2 mới được công nhận lần này, đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã có 14 di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật được công nhận cấp quốc gia. Đây là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ và là địa chỉ thu hút khách tham quan du lịch.
CINET