Sau một thời gian hợp nhất và mở rộng địa giới hành chính, du lịch Hà Nội có những bước phát triển mới. Chính những thay đổi về địa giới hành chính đã mở ra nhiều triển vọng cho du lịch của thành phố, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với các nhà quản lý trong việc đầu tư, xây dựng để có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Sự kết tinh ý nghĩaTừ lâu, Hà Nội trở thành điểm đến thu hút du khách quốc tế lớn nhất cả nước bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thanh lịch. Đặc biệt, sau 3 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội càng trở nên hấp dẫn với những loại hình du lịch kết hợp vốn là thế mạnh trước đây, như du lịch văn hóa - lịch sử, phố nghề, làng nghề, du lịch tổ chức các sự kiện, hội nghị hội thảo (du lịch MICE) và thêm cả những loại hình du lịch giàu tiềm năng như sinh thái, nghỉ cuối tuần, vui chơi giải trí, làng nghề, làng cổ… vốn là thế mạnh của vùng đất xứ Đoài.
Từng nhiều năm gắn bó với du lịch Thủ đô và chứng kiến sự "thay da đổi thịt" từng ngày, từng giờ của vùng đất 1.000 năm tuổi, bà Đặng Bích Thọ, phụ trách Công ty Du lịch Phượng Hoàng tại Hà Nội cho biết: Khi Thủ đô được mở rộng, tiềm năng du lịch của Hà Nội vốn dồi dào càng thêm đa dạng, phong phú với quy mô lớn hơn rất nhiều, đủ sức kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Nếu như trước đây, tour khám phá Thủ đô chỉ gói gọn trong 1 ngày với những điểm đến là Hồ Tây, đền Quán Thánh, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, chợ Đồng Xuân, phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm bảo tàng và kết thúc là xem múa rối nước, thì nay hành trình đó được kéo dài hơn đủ để du khách thỏa sức chiêm ngưỡng cả một vùng sơn thủy hữu tình với Ao Vua, Thác Đa, hồ Ngải Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, Vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, phố cũ thành Sơn, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, chùa Hương... "Bất kỳ du khách nào đặt chân đến Việt Nam đều ghé thăm Hà Nội, nhất là sau dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long bởi họ đều mong muốn sẽ cảm nhận được những giá trị văn hóa đặc thù, tiêu biểu của mảnh đất nghìn năm văn hiến như những gì họ từng được nghe, được kể. Để đáp ứng nhu cầu đó, tới đây, công ty sẽ xúc tiến mở rộng tour khám phá Thủ đô kéo dài từ 2-3 ngày. Với hành trình này, du khách sẽ có một ngày với những khám phá nội thành Hà Nội, một ngày dạo bước trên những con đường làng rợp bóng tre xanh, ngắm nhìn những người thợ thủ công làm việc và kết thúc hành trình là chuyến tham quan, tìm hiểu nét văn hóa, lịch sử truyền thống tại các làng văn hóa", bà Đặng Bích Thọ bật mí về dự định của doanh nghiệp mình.
Hứa hẹn bội thuTừ sau thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Năm Du lịch quốc gia 2010, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng lên nhanh chóng. Trong quý I và II năm nay, Thủ đô thu hút 650.000 lượt khách quốc tế (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái). Vui mừng trước những thắng lợi mà ngành du lịch Thủ đô đạt được thời gian qua, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhấn mạnh: Vùng đất Thăng Long - Kẻ Chợ giờ như được chắp thêm đôi cánh, nhân đôi sức mạnh nội sinh nhờ sự góp sức của mảnh đất xứ Đoài. Những lợi thế từ tiềm năng du lịch vốn có của hai vùng "địa linh nhân kiệt" này sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.
Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng khai thác lợi thế văn hóa, sinh thái, nhân văn của Thủ đô nghìn năm tuổi nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu là một trong những mục tiêu chính của ngành du lịch Hà Nội trong thời gian tới. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển du lịch Homestay (một loại hình du lịch cộng đồng) tại Ba Vì, ngành sẽ tập trung phát triển du lịch tại một số điểm di sản văn hóa, làng nghề, ẩm thực trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, tại quy hoạch phát triển giai đoạn mới, ngành du lịch Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng 3-4 tuyến điểm du lịch văn hóa nổi bật để quảng bá, thu hút khách, đặc biệt chú ý tới việc kết nối tour từ phố cổ tới làng nghề. Du khách tới Hà Nội không chỉ đơn thuần ngắm phố phường, bảo tàng mà còn ghé thăm và tìm hiểu Tổ nghề lụa tại Vạn Phúc, nơi thờ bà Lã Thị Nga - người góp công đưa nghề dệt lụa về nơi đây hơn 1.000 năm trước hoặc xem những bức tranh thêu bày bán ở phố cổ, rồi về làng Quất Động (Thường Tín) để tìm hiểu tổ nghề thêu và tận mắt chứng kiến người thợ thủ công miệt mài sáng tạo nghệ thuật...
Sau hợp nhất, tiềm năng du lịch của Thủ đô được nhân đôi với gần 5.000 di tích, đứng đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử, hội đủ điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh và hội thảo. Với thế và lực mới, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch Hà Nội sẽ "cất cánh" và tăng trưởng mạnh mẽ.