Bình Thuận thuộc vùng Nam Trung bộ, nằm trong khu vực ảnh huởng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có đường giao thông thuận lợi kết nối với các đô thị lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt và có đường hàng hải quốc tế đi qua. Có bờ biển dài 192 km, nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng… rất thuận lợi cho phát triển du lịch.
Trong thương hiệu du lịch biển Bình Thuận có chứa đựng những giá trị hình ảnh được nhiều nguời biết đến như: Mũi Né - Hòn Rơm, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù lao Câu đa dạng sinh học, đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, mũi Kê Gà… Bên cạnh đó có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng như: tháp Chăm Pôdam, PôShanư, Truờng Dục Thanh, dinh Thầy Thím. Có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội phong phú, nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng như: nuớc mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận…
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đang quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung về xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận, du lịch vùng, điểm đến, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, các địa danh nổi tiếng và cùng với nó các doanh nghiệp du lịch cũng có chiến luợc phát triển thị trường, sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch có uy tín, đã khẳng định đuợc vị trí trên thị trường trong nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Tính đến nay, có 104 doanh nghiệp về lĩnh vực du lịch đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và chắc rằng con số này ngày sẽ tăng lên. Thương hiệu ngày nay đã trở thành giá trị tài sản, đôi khi là tài sản chính của doanh nghiệp (DN) và để đi dến thành công, các DN ngoài việc đăng ký nhãn hiệu, tên thương mại luôn xây dựng cho mình một chiến luợc phát triển thương hiệu và chính sự thành công của xây dựng thương hiệu chính là sự thành công của DN.
Xây dựng thương hiệu du lịch điều kiện cần phải có là tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm du lịch. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc tổ chức xây dựng, xúc tiến quảng bá và quản lý chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh với các dịch vụ có chất lượng tương xứng gắn với phát triển thương hiệu quốc gia và mỗi một nhân viên ngành du lịch, mỗi một nguời dân sống trong vùng du lịch thật sự trở thành những đại sứ thiện chí, quảng bá thương hiệu du lịch Bình Thuận đến với bạn bè, du khách khắp mọi nơi; hạn chế thấp nhất việc chèo kéo du khách, kinh doanh theo kiểu thời vụ…
Để làm được điều này, thiết nghĩ ngay từ bây giờ phải xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, thị trường; xây dựng thương hiệu; xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ chế phối hợp liên tỉnh, chú trọng vấn đề môi trường, áp lực gia tăng dân số và sự hiện diện con người ở những khu vực nhạy cảm … Bên cạnh đó, cần xây dựng một chiến lược phát triển du lịch bền vững, thể hiện trong việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên du lịch, tôn trọng các giá trị văn hóa, đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội lâu dài, bền vững và quan trọng nhất là mỗi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả đó.