Hướng tới kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng
2/8, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
(số 1, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm với
chuyên đề “Cổ ngọc Việt Nam”.
Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giới thiệu đến du khách trong nước và quốc
tế một phần trong bộ đại sưu tập cổ ngọc Việt Nam mà Bảo tàng đang sở hữu. Thứ
trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đã tới dự và cắt băng khai mạc.
Với ưu thế về độ cứng song lại rất dẻo, trong, sáng, màu sắc
đẹp huyền ảo, ngay từ thời cổ đại, ngọc đã trở thành biểu tượng của quyền lực,
giàu sang, vẻ đẹp và sự cao quý. Trong thời Tiền – Sơ sử, ngọc được dùng để chế
tác đồ trang sức, công cụ, vũ khí. Đến các thời kỳ sau, ngọc quý được dùng để chạm
khảm lên vương miện, quyền trượng, ấn kiếm, yên ngựa... hay nhiều loại đồ ngự
dụng, trang sức của vua và hoàng tộc.
Tại triển lãm, 140 cổ ngọc có niên đại từ thời Tiền - Sơ sử,
10 thế kỷ đầu Công nguyên, cho đến thời Lê - Nguyễn đã được trưng bày, giới
thiệu tới công chúng.
Những cổ ngọc thời Tiền - Sơ sử gồm các loại công cụ, vũ
khí, đặc biệt là đồ trang sức như: vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi được tìm thấy
trong các di chỉ văn hóa khảo cổ học Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn ở
các tỉnh phía Bắc; văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Những cổ ngọc thuộc thời kỳ 10 thế kỷ đầu Công nguyên thường
xuất hiện trong các ngôi mộ gạch có niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 3, thể
hiện rõ sự giao lưu văn hóa với phương Bắc và phong tục, tín ngưỡng của nhân
dân ta thời kỳ đó, như: khâu đeo lưng, các loại vật đeo, tượng rồng, tượng thú,
tượng ve sầu, tượng cá...
Cổ ngọc thời Lê - Nguyễn chiếm một số lượng lớn trong triển
lãm. Trong đó, đáng chú ý là bộ ngọc tỷ (ấn) 18 chiếc, có niên đại thế kỷ 18
đến thế kỷ 20, gồm: 2 chiếc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18), 3 chiếc đời vua
Minh Mệnh (1820-1840), 3 chiếc đời vua Thiệu Trị (1841-1847), 2 chiếc đời vua
Tự Đức (1847-1883), 2 chiếc đời vua Khải Định (1916-1925) và 6 chiếc thuộc loại
Đồ thư văn bảo. Những ngọc tỷ này được chạm khắc, mài dũa bằng nhiều loại ngọc
khác nhau, với màu ngọc xanh sẫm, ngọc xanh nhạt hay ngọc trắng.
Bên cạnh đó, nhiều ngự đồ bằng ngọc của vua và hoàng tộc dưới
triều Nguyễn với những đường nét hoa văn tinh xảo, kết hợp giữa ngọc và các phụ
liệu: vàng, bạc, đồi mồi cũng được trưng bày như: đỉnh, nghiên mài mực, gác bút, lư
hương, thẻ, bộ cờ tướng, bộ đồ trà, chậu ngọc, chén, đĩa, … Đặc biệt, bộ tượng
"Bát tiên" bằng ngọc trắng được các nghệ nhân Việt Nam chế tác theo phong cách của
người Việt cũng đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với người xem.
Triển lãm “Cổ ngọc Việt Nam” với những hiện vật quý hiếm lần
đầu tiên được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam không chỉ phản ánh trình
độ kỹ thuật tinh xảo, tuyệt mỹ trong chế tác và sử dụng ngọc quý của cha ông ta,
mà còn góp phần minh chứng cho lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân
tộc. Triển lãm dự kiến sẽ kéo dài trong 3 tháng (từ tháng 8 đến hết tháng 10). Cũng
nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã biên soạn và xuất bản cuốn sách
"Cổ ngọc Việt Nam" bằng song ngữ Việt-Anh giới thiệu khá chi tiết cổ
ngọc Việt Nam
từ thời Tiền - Sơ sử cho đến thời nhà Nguyễn, góp phần quảng bá một phần kho
tàng di sản văn hóa Việt Nam
tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
|
Hai thẻ Cát tường như ý bằng ngọc trắng xám (thời Nguyễn) |
|
Đỉnh ngọc trắng (thời Nguyễn) |
|
Chiếc đỉnh ngọc màu xanh xám sẫm (thời Nguyễn) |
|
Chậu ngọc trắng xanh nhiều màu bịt vàng (thời Nguyễn) |
|
Bộ ấm chén ngọc trắng bịt vàng (thời Nguyễn) |
Bài: Phạm Phương; Ảnh: Huy Hoàng (TTTTDL)