Hoạt động du lịch 8 tháng đầu năm 2011
Cập nhật: 26/08/2011
Sáng ngày 25/8/2011 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp báo về hoạt động du lịch 8 tháng đầu năm 2011 và nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2011.

Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2011, ngành Du lịch tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của năm 2010, phát huy nguồn lực của Bộ đa ngành cho phát triển du lịch. Nhiều sự kiện quan trọng có tác động trực tiếp đến phát triển của ngành Du lịch: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ.

Ước tính tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng đầu năm 2011 đạt 3.960.000 lượt khách, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2010. Số khách đến trong tháng 8 ước tính 490.000 lượt; tăng 14,5% so với tháng 8 năm 2010.

Lượng khách du lịch từ tất cả các thị trường đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010, trong đó cao nhất là khách Campuchia với 74,2%, tiếp theo là Trung Quốc 53,5%, Malaysia 18,7%, Nhật 11,7%, Singapore 10,6%, Đài Loan 5,4%, Pháp 4,5%, Hàn Quốc 4,0%, Mỹ 2,5%, Úc 2,3%.

Số khách du lịch nội ước đạt 23 triệu lượt. Thu nhập từ du lịch vào khoảng 85 ngàn tỷ đồng, đạt 77,3% mức kế hoạch cho cả năm là 110 ngàn tỷ đồng.


Thời gian qua, công tác xúc tiến du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Trong nước, một trong những hoạt động trọng tâm của TCDL là phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tổ chức các sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011. Trong đó điểm nhấn được tập trung giới thiệu là các sản phẩm du lịch biển, đảo của Việt Nam. Đây là sản phẩm du lịch thế mạnh của nướ ta và là một trong những trọng tâm phát triển giai đoạn tới của Du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cũng được thực hiện tích cực cho Năm Du lịch duyên hải Bắc Trung bộ - Huế, gắn với Festival Huế vào năm 2012.

Với hoạt động xúc tiến du lịch ở nước ngoài, Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với địa phương và doanh nghiệp tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như Hội chợ Travex tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2011-Campuchia, Hội chợ ITB-Đức, Hội chợ MITT-Nga…

Hưởng ứng chiến dịch bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành một trong những kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Bộ VHTTDL đã huy động lực lượng trong toàn Ngành, triển khai chiến dịch bầu chọn vận động trong cả nước và với các đối tác ở nước ngoài. Tổng cục Du lịch đã có công văn tới các sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn đề nghị hưởng ứng tổ chức bầu chọn với khẩu hiệu “mỗi lao động trong ngành du lịch là một phiếu bầu cho vịnh Hạ Long”, “mỗi khách du lịch là một phiếu bầu cho vịnh Hạ Long”…


Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, ngành Du lịch cũng tồn tại một số vấn đề ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng du lịch. Những tai nạn giao thông liên quan đến dịch vụ vận chuyển khách du lịch như việc chìm tàu du lịch tại vịnh Hạ Long, tại Bình Dương và Nha Trang đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của du lịch Việt Nam. Tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng trong kinh doanh lữ hành như phá giá tour hoặc tình trạng nâng giá khách sạn, chặt chém khách du lịch ở mùa du lịch cao điểm vẫn xảy ra ở một số địa phương… Các vấn đề về môi trường du lịch vẫn chưa được ngăn chặn và giải quyết dứt điểm như: tình trạng xâm hại cảnh quan, tài nguyên môi trường du lịch, nạn chèo kéo, ép khách tại một số điểm đến đông khách, tình trạng taxi dù lừa đảo ở sân bay…

Để xử lý những biến cố đã xảy ra cũng như các vấn đề còn tồn đọng, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo TCDL phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương triển khai một số biện pháp chấn chỉnh, từng bước giải quyết bao gồm: Phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của tàu thủy du lịch, xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia “Tàu thủy lưu trú du lịch – xếp hạng”; phối hợp với chính quyền và Hiệp hội Du lịch một số địa phương thành lập Câu lạc bộ Lữ hành nhắm khắc phục tình trạng phá giá tour, cạnh tranh không bình đẳng; Thông báo bằng văn bản và đề nghị các địa phương chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi chặt chém, ép khách du lịch…


Trong 4 tháng cuối năm 2011, ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

- Tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch; sửa đổi Nghị định số 92/2007/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn. Triển khai phổ biến “Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành các đề án quy hoạch, nghiên cứu thị trường…

- Phối hợp tổ chức các hoạt động năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011, Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE tại thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012; tham gia các Hội chợ Du lịch ngoài nước cũng như tổ chức phát động thị trường…

- Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch có dấu hiệu bất ổn…, từng bước đẩy mạnh chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam.

- Triển khai các hoạt động của Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch, Chương trình Xúc tiến Du lịch Năm 2011, hướng tới mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2011.

- Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ của ngành, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn phục vụ khách du lịch.



                                                                                  Bài: Mỹ Hạnh, Ảnh: Thế Phi (TTTTDL)