Lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ - Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể
Cập nhật: 13/09/2011
Năm nay là năm đầu tiên Ban Tổ chức Những ngày lễ lớn TPHCM đưa lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ - lễ Nghinh Ông, tổ chức từ 9/9 đến 14/9 tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vào trong chuỗi các hoạt động lễ hội của thành phố.

Điểm nhấn chính là lễ Nghinh Ông diễn ra vào sáng 16 Âm lịch (tức ngày 13/9) với đoàn thuyền hoa đăng, thả đèn trên biển... Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn, góp phần làm đa dạng các hoạt động tổ chức lễ hội của TP, đồng thời duy trì và phát triển các phong tục, tập quán tốt đẹp, bảo tồn vốn truyền thống lịch sử văn hóa và nét đặc thù của lễ hội huyện Cần Giờ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch xanh.  

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vũ Kim Anh cho biết: “TPHCM đang làm hồ sơ kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào công tác bảo tồn, đặc biệt, hiện nay cơ quan chức năng cũng thực hiện kiểm kê văn hóa phi vật thể lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ. Đình Cần Thạnh ở Cần Giờ cũng đang được làm hồ sơ để xếp hạng di tích”. Đây là công việc có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại TPHCM.    

Du khách đến với lễ hội năm nay sẽ được hòa mình vào không gian lễ hội cùng với hàng loạt hoạt động: viếng nghĩa trang Rừng Sác, lễ thượng đại kỳ, đại lễ cổ truyền, các trò chơi dân gian mang tính đặc trưng vùng biển Cần Giờ... Dịp này, TPHCM, huyện Cần Giờ cũng đăng cai tổ chức giải vô địch marathon và vô địch đi bộ quốc gia 2011 với sự tham gia của hơn 500 vận động viên thuộc 48 tỉnh thành. Lực lượng phục vụ tại lễ hội có mặt đông đảo với hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của TPHCM như: hát bội, múa rối, kịch, xiếc, Nhà hát Trần Hữu Trang, Trung tâm Văn hóa TPHCM, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP…  

Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cần Giờ, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng hoạt động của lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ, vì đây cũng là dịp để nhiều người biết đến Cần Giờ, hiểu hơn về Cần Giờ với lễ hội truyền thống ngư dân và những nét văn hóa đặc sắc của Cần Giờ. Huyện có một cánh rừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có di tích quốc gia căn cứ Rừng Sác nổi tiếng, di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ có niên đại 2.500 - 3.000 năm, khu đô thị lấn biển sau này sẽ là những điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước”.

TBKTSG