Trong khuôn khổ Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011, tối ngày 14/11, tại Quảng trường 20-8 (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra Lễ hội văn hoá “Đêm hội thưởng trà” - Tinh hoa trà Việt.
Tham dự Lễ hội có ông Dương Ngọc Long - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; bà Ma Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan; đại diện nhiều bộ, ngành, hiệp hội chè, địa phương cùng đông đảo người dân Thái Nguyên, du khách trong và ngoài nước…
Lễ hội văn hoá “Đêm hội thưởng trà” - Tinh hoa trà Việt được coi là điểm nhấn của Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhằm tái hiện không gian trà từ cội nguồn xa xưa, những sinh hoạt văn hoá trà để mọi người cảm nhận được ý nghĩa ra đời của cây chè, đặc biệt là nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà.
Phát biểu tại Lễ hội, bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết, Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 là một sự kiện lớn, lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều địa phương sản xuất chè và đoàn quốc tế. “Đêm hội thưởng trà” - Tinh hoa trà Việt là một trong những điểm nhấn của Liên hoan trà lần này. Chương trình được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trà, trình diễn nghệ thuật pha trà và mời trà để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo du khách và công chúng.
Cùng với phần biểu diễn nghệ thuật với nhiều tiết mục ca múa đặc sắc như: “Âm vang núi rừng”; “Mùa xuân bản Mông”; “Sương về xứ hoa đào”; “Cao nguyên xanh” là phần trình diễn nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà.
Qua phần biểu diễn nghệ thuật pha trà cho thấy, việc lựa chọn nước và trà rất quan trọng. Thứ nước pha trà tốt nhất là nước mưa hay nước suối và đặc biệt hơn là những giọt sương đọng trên lá sen vào mỗi buổi sáng sớm. Công đoạn lựa chọn trà cũng rất tinh tế. Trà ngon là trà có bốn chuẩn mực, đó là: sắc - vẻ đẹp của cánh trà, khí - khí tiết của cánh trà, vị - khi uống cảm nhận được vị ngon của trà và thần - sự lôi cuốn, quyến rũ của trà. Sau khi lựa chọn được nước và loại trà sẽ đến phần pha trà. Trước khi pha trà, cần lựa chọn bộ ấm trà hoặc bình trà cho phù hợp; sau đó nhúng bộ ấm trà hoặc bình trà vào nước sôi với mục đích làm sạch và cho ấm lên. Sau đó, dùng thìa gỗ để xúc trà vào trong ấm. Chi tiết này được gọi là “Ngọc diệp hồi cung” (Việc cho trà nhiều hay ít là một bí quyết của người pha trà). Tiếp đến, đổ nước sôi vào ấm và dùng một thìa nhỏ đảo đều trà và nước sôi, và nhanh chóng rót bỏ nước lần đầu. Công đoạn này giúp cho trà được tinh khiết hơn và làm cho ấm trà nóng thêm để nước ngấm vào trà được tốt hơn. Khi đổ nước vào ấm, cần đổ nhiều nước để khi đậy nắp ấm, nước sẽ tràn ra nhằm làm nóng toàn bộ ấm trà, sau đó lại dội nước sôi lên ấm trà thêm một lần nữa và đợi vài phút để trà ngấm.
Sau phần biểu diễn màn pha trà là đến màn thưởng thức trà. Các đại biểu và du khách tham dự Lễ hội đã có dịp thưởng thức hương vị thơm ngon, tinh túy của trà Việt.
Một sự kiện đầy ý nghĩa không chỉ đối với người dân Thái Nguyên mà còn với cả những người Việt Nam yêu mến trà. Ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng ban dữ liệu tổ chức kỷ lục Việt Nam cho biết: “Đêm hội thưởng trà” đã được công nhận là chương trình trình diễn nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà có số lượng người tham gia đông nhất, đạt kỷ lục Việt Nam kể từ ngày 14/11/2011.
Cũng tại Lễ hội, đã diễn ra lễ trao giải cho cuộc thi ảnh “Hương sắc chè Việt” do Đài phát thanh - truyền hình Thái Nguyên tổ chức. Tác giả Đỗ Anh Tuấn đã đoạt giải Nhất; tác giả Lê Hồng Lâm đoạt giải Nhì; tác giả Đức Chính và Đào Tuấn đoạt giải Ba. Ban Tổ chức cũng trao giải khuyến khích cho các tác giả đã đoạt giải.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao giải cho các cuộc thi Bàn tay Vàng; Búp chè Vàng; Văn hoá Trà Việt. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh ngành chè Việt Nam.