Triển lãm Văn hóa Chăm truyền thống và đương đại; Tranh mỹ thuật: đất và người Thái Nguyên
Cập nhật: 11/09/2007
Hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam lại tiếp tục phối hợp cùng Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh, Sở VHTT tỉnh Thái Nguyên, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên triển lãm hai chuyên đề:
- Văn hóa Chăm truyền thống và đương đại. - Tranh mỹ thuật: đất và người Thái Nguyên.
Triển lãm lần này tiếp tục thực hiện nghị quyết TW Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng đinh hướng đi đúng đắn mà nhiều năm qua các bảo tàng, các sở văn hóa đã thực hiện, nhằm giới thiệu tôn vinh nền văn hóa của từng tộc người, ở các vùng miền, trong đó có tộc người Chăm.
Như chúng ta đã biết, trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng, dân tộc Chăm từ lâu đã được biết đến với những công trình kiến trúc, điêu khắc nổi tiếng như: khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), tháp Bà Pô-Na-Ga (Nha Trang - Khánh Hòa)... Hiện nay, dân tộc Chăm có trên 150 nghìn người, sinh sống ở 10 tỉnh, kéo dài từ Quảng Nam đến Bình Định, Tp. Hồ Chí Minh và An Giang. Người Chăm theo 2 đạo là Bàlamôn và Hồi giáo. Trong đó nhóm Hồi giáo Bàni, ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, đã tạo nên một nền văn hóa riêng biệt với những nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo, trang phục, trang sức, nhạc cụ hết sức độc đáo, đậm nét văn hóa mẫu hệ. Đặc biệt là các công trình kiến trúc điêu khắc tinh xảo, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của con người. Chính điều đó đã tạo nên một nền văn hóa Chăm rực rỡ và huy hoàng trong quá khứ, để lại cho nhân loại một di sản văn hóa quý báu. Với trên 200 hiện vật, tài liệu gốc, có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến hiện nay, được lưu giữ trong các bảo tàng, lần đầu tiên được trưng bày giới thiệu với công chúng là một phần di sản văn hóa Chăm. Các công trình kiến trúc, điêu khắc Chămpa gắn với tôn giáo, tín ngưỡng thờ cúng Vua - Thần, Phật, nhưng đậm nét nhân văn, gắn bó mật thiết với đời sống của con người. Thông qua các tài liệu hiện vật độc đáo như: tượng thần Shiva, Makara, tiên nữ Ápsara, sư tử, Phật Quan Âm, chim thần Garuđa... được các bạn đồng nghiệp từ Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua hàng ngàn cây số mang về đây, hay các hiện vật quý hiếm mà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam dày công nghiên cứu, bảo quản và nâng niu giữ gìn, người xem sẽ dần cảm nhận, thẩm thấu những nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo của người Chăm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ đó tôn vinh những giá trị văn hóa tộc người trong quá trình đoàn kết, đấu tranh xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh và phát triển, góp phần phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Triển lãm lần này cũng vinh dự được gắn với hoạt động của địa phương Thái Nguyên, nơi gắn với ATK Định Hóa, chiến khu Việt Bắc - thủ đô gió ngàn, gắn với nhân dân 8 dân tộc anh em trong tỉnh, giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng. Đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của giới văn nghệ sỹ ở Thái Nguyên cùng các tỉnh thành trong cả nước. Với 55 bức tranh nghệ thuật của 43 tác giả, sáng tác trên các chất liệu khác nhau như: sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, gốm,...tập trung vào các chủ đề Bác Hồ với Thái Nguyên, nét đẹp văn hóa dân tộc, phong cảnh quê hương... đã chuyển tải tới người xem bức tranh toàn cảnh về đất và người Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Báo Du lịch
|
|
|