Tiết trời
giao hòa, giữa không gian sông núi hữu tình của Làng Văn hóa Du lịch các dân
tộc Việt Nam (xã Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) rực rỡ sắc màu đón chào hàng
trăm người con ưu tú của 54 dân tộc anh em hội tụ giao lưu văn hóa, trình diễn
trang phục độc đáo.
Mỗi bản
làng, mỗi dân tộc và con người ở các vùng miền có nét đặc trưng riêng nhưng khi
về đây họ “là con một nhà”, tái hiện một cách rõ nét và sinh động dân tộc Việt
Nam đoàn kết và thống nhất.
Ấn tượng
trang phục truyền thống
Nhạc sĩ An
Thuyên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Lễ hội trình diễn trang phục dân tộc không
giấu nổi cảm xúc: Thật là hạnh phúc và may mắn khi được tận mắt thấy sự tập hợp
tất cả trang phục của các dân tộc ít người. Tôi đã là người từng trải, đi nhiều
đến các bản làng và viết nhiều tác phẩm về đồng bào dân tộc, nhưng không thể
tưởng tượng nổi và rất bàng hoàng, tự hào trước sự phong phú, đa dạng, nhiều
màu sắc của văn hóa Việt Nam.
Lễ hội
trình diễn trang phục các dân tộc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 26 -28/11 do Ủy
ban Dân tộc (Quốc hội) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực sự là
một sân chơi quy mô lớn, thu hút 235 thí sinh đến từ 52 đoàn, gồm trên 200 loại
trang phục của 54 dân tộc anh em. Đây cũng là dịp để bà con dân tộc ba miền có
cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu phong tục tập quán của nhau.
Bà Doãn Thị
Hương, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
cho biết: Chương trình nhằm tôn vinh trang phục các dân tộc Việt Nam, qua đó
huy động các dân tộc về tham gia sinh hoạt định kỳ tại Làng và thể hiện bản sắc
riêng của mình. Hoạt động này đã chuẩn bị gần 1 năm nay với những thí sinh về
tham dự đều là người dân tộc và những bộ trang phục gốc.
Mỗi một bộ
trang phục là một nét đẹp riêng phản ánh sinh hoạt đời thường và lễ hội các
vùng dân tộc. Trang phục của cô dâu Khơme đẹp ở những hạt kim sa lấp lánh, điểm
nhấn là bộ kiềng đeo tay và chân. Còn trang phục của người Dao Tiền (Tuyên
Quang) có những đồng tiền xu gắn hai bên viền vạt thân áo với những chiếc xà
tích ở thắt lưng bằng bạc. Trang phục của dân tộc Mường cũng có nét đặc sắc như
nam thường mặc áo cánh phủ kín mông, xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai… Và còn rất
nhiều bộ trang phục khác của tất cả đồng bào trong cả nước. Mỗi bộ trang phục
đều có kiểu dáng, họa tiết, chất liệu khác nhau, kèm theo là những bước đi,
điệu nhạc, tiếng khèn đặc trưng với những lời giới thiệu quảng bá đời sống sinh
hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc mình.
Em Lý Thị
Huyên, người dân tộc Dao Tiền, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là
một trong số những cô gái trẻ nhất về tham dự buổi trình diễn phấn khởi nói
"Bộ trang phục này do bà em làm và để lại. Em rất vui khi được là người
nối tiếp truyền thống đưa nó đi giới thiệu với mọi người".
Giáo sư,
Tiến sĩ Hoàng Nam, giảng viên khoa Văn hóa dân tộc trường Đại học Văn hóa Hà
Nội đánh giá cao chương trình biểu diễn trang phục dân tộc ở hai khía cạnh. Thứ
nhất, trên lĩnh vực chính trị, xã hội đã hiện thực hóa chính sách của Đảng và
Nhà nước về quyền bình đẳng, tôn trọng các dân tộc. Thứ hai, trên lĩnh vực văn
hóa đây còn là cơ hội cho các dân tộc trực tiếp giao lưu, tìm hiểu và phát huy
văn hóa tốt đẹp của nhau.
Lưu giữ bản
sắc phục vụ du khách
Làng Văn
hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đã hoạt động hơn một năm nay với mục đích tái
hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân
tộc. Đồng thời giới thiệu, quảng bá những di sản này tới nhân dân trong nước và
du khách quốc tế. Tại Làng cũng đáp ứng nhu cầu khách du lịch, nghỉ ngơi, vui
chơi giải trí, hoạt động văn hoá thể thao, qua đó hiểu hơn về cội nguồn.
Việc xây
dựng mô hình kiến trúc nhà ở của các dân tộc Việt Nam không phải mới. Tuy nhiên, nét
độc đáo mà ngôi làng này có được đó là việc tái hiện cuộc sống sinh hoạt thực
tế của đồng bào. Để tránh những hoạt động chuyên nghiệp, pha tạp, mỗi tháng sẽ
có một nhóm người dân tộc chính gốc tới sinh hoạt đời thường ở trong ngôi nhà
của mình tại Làng kéo dài từ 15 – 20 ngày. Đến nay đã có 50 lượt đoàn đồng bào
về đây sinh sống và có hàng chục ngàn người đến tham quan du lịch.
Tại đây, họ
sinh hoạt văn hóa tinh thần, giao lưu với nhau qua những đêm biểu diễn cồng
chiêng, đốt lửa trại, lễ đâm trâu; cùng sản xuất, cùng tham gia các hoạt động
thủ công mỹ nghệ hay là trồng lúa nương, dệt thổ cẩm, cày cấy, đánh cá; lễ hội
ca hát; nghi lễ lúc sinh đẻ, ngày mùa, chôn cất, cưới hỏi... Anh Bô Alê Soai,
người dân tộc Rắc lây, trú tại thôn Châu Đắc, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh
Ninh Thuận - một trong số những người sinh sống tại Làng hồ hởi cho biết: “Anh
em chúng tôi vừa ăn mừng được lên nhà mới và mừng lễ lúa mới sau 1 năm lao động
mệt nhọc. Sau khi ăn mừng ở nhà mình xong thì sang ăn mừng cùng nhà dân tộc Co
ở kế bên”.
Đồng bào
dân tộc khi ra sinh sống tại Làng mang theo cả những dụng cụ sản xuất và nhạc
cụ truyền thống của mình như chiêng (dân tộc Co), đàn Chapi, kèn bầu (dân tộc
Rắc lây)... hay cả những chum rượu để mời nhau khi gặp mặt. Mỗi dân tộc có
những sắc màu văn hóa đặc trưng. Sự hòa quyện đó tạo nên sự đa âm, đa sắc cho
ngôi làng này. Từ người già đến trẻ nhỏ, không kể là người dân tộc nào, khi tới
Làng, được tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều trở nên gắn bó hơn.
Trong ngôi
làng của dân tộc Co, già làng Hồ Ngọc Quảng 94 tuổi, xã Ngọc Thủy, huyện Trà
Bồng, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ niềm vui và tự hào về ngôi làng của mình được xây
dựng tại Thủ đô mà vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản.
Trước
đây phần lớn người dân tộc Co mang họ Đinh, nhưng từ khi Bác mất, để nhớ ơn Vị
lãnh tụ vĩ đại, người dân đã tự nguyện chuyển họ Đinh sang họ Hồ. Và việc tham
gia bảo tồn những nét đẹp của Làng cũng không nằm ngoài mục đích Đại đoàn kết
dân tộc.