Những năm gần đây, Hải Phòng rất chú trọng đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch biển, nhất là tại trọng điểm Cát Bà, Ðồ Sơn. Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án phát triển du lịch, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch được tập trung thực hiện, tạo hiệu quả cao.
Chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầngVới sự quan tâm của thành phố Hải Phòng và các ngành chức năng liên quan, các doanh nghiệp đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật du lịch. Tại Đồ Sơn, một số tuyến đường du lịch được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới như: đường phía đông, phía tây khu du lịch Đồ Sơn được đưa vào khai thác; đường từ bến xe khu 2 đến bến Nghiêng đã hoàn thiện. Tuyến đường du lịch từ Đồi Độc chạy qua bờ biển khu 295 đến khu 1 Đồ Sơn đang được thi công khẩn trương. Hạ tầng giao thông đồng bộ và thuận tiện đang là ưu thế để Đồ Sơn mời gọi các nhà đầu tư phát triển thêm nhiều dự án, dịch vụ và sản phẩm du lịch. Trong đó, tập trung phát triển du lịch biển kết hợp du lịch văn hóa tâm linh với nhiều địa danh nổi tiếng như: tháp Tường Long- chùa Tháp; danh thắng quốc gia đảo Dấu; bến Nghiêng; bến tàu không số K15... Cơ sở hạ tầng khu du lịch ngày càng hoàn thiện tạo cơ hội cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả các dự án để đưa vào sử dụng như: khu công viên được ví như “Đà Lạt thu nhỏ”, bể tạo sóng độc đáo thuộc dự án khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, Đồ Sơn.
Tại trọng điểm du lịch biển Cát Bà, nhiều dự án giao thông, cấp thoát nước phục vụ phát triển KT-XH nói chung và phát triển du lịch nói riêng đã, đang được triển khai. Trong đó, một số dự án giao thông đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng như: đường du lịch Gia Luận- Vườn Quốc gia Cát Bà; đường du lịch Vườn Quốc gia Cát Bà. Đặc biệt, tình trạng khó khăn về nguồn nước sạch trên đảo được khắc phục khi dự án cấp nước sạch Cát Bà giai đoạn 1 hoàn thành. Hiện, dự án đang được thực hiện với việc xây dựng hồ chứa nước ngọt ở xã Trân Châu, Xuân Đám. Khi hoàn thành, hồ chứa nước ngọt này sẽ cung cấp hơn 450 nghìn m³ nước/năm cho sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt ở khu du lịch Cát Bà.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa, từ năm 2006 đến nay, huyện đã có 15 dự án đầu tư (ngoài ngân sách) của các doanh nghiệp tập trung phát triển du lịch dịch vụ. Trong đó có 4 dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, một số dự án đang thi công, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến Cát Bà. Đáng kể là dự án tại áng Ông Nùng; Cát Cò 3; bến phà Gia Luận; khu đô thị du lịch Cái Giá; khu du lịch sinh thái quốc tế Cát Bà; khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng ở xã Hiền Hào của công ty TNHH Thương mại Quốc Hưng...
Nỗ lực tạo sản phẩm du lịch biểnPhó Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân cho biết: việc nhiều doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án du lịch tại hai trọng điểm du lịch biển Cát Bà và Đồ Sơn đã góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới, thiết thực, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch biển, thu hút du khách đến khám phá, tận hưởng du lịch sinh thái biển Hải Phòng. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế Hùng Việt Trần Thị Kim Quy cho biết: cũng như các nhà đầu tư khác, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Xuân Đám mà Công ty đang triển khai đã góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch cao cấp và tạo nét đặc thù cho du lịch biển Cát Bà.
Việc thành phố và ngành chức năng quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư lớn, bài bản vào những địa danh du lịch như: vịnh Lan Hạ; hệ thống hang động, bãi tắm; các tuyến du lịch cộng đồng đến Việt Hải, Xuân Đám, Gia Luận; tour khám phá vườn Quốc gia Cát Bà, tìm hiểu giá trị khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, tham gia hoạt động leo núi trên đảo, đã tạo sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước, khắc phục “điểm yếu” cố hữu của du lịch Hải Phòng.
Để phát huy vai trò trọng điểm kinh tế biển của cả nước, Hải Phòng chủ trương hướng ra biển, làm giàu từ biển với mục tiêu xây dựng vùng biển và ven biển Hải Phòng thành Trung tâm kinh tế biển của vịnh Bắc Bộ và cả nước. Trong đó, phát triển du lịch biển là một mũi nhọn đột phá, rất cần được thành phố tiếp tục quan tâm, dành sự đầu tư thích đáng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tích cực tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chất lượng.