Cây thị cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam
Cập nhật: 19/12/2011
Ngày 16/12, tại đình làng Ngô Nội, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam tổ chức lễ vinh danh cây thị cổ thụ là Cây di sản Việt Nam.

Tại buổi vinh danh, đại diện Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam đã công bố quyết định và trao cho Ban quản lý di tích đình làng Bằng công nhận cây thị cổ thụ thôn Ngô Nội là Cây di sản Việt Nam.  

Cây cổ thụ nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa đình làng Ngô Nội, tọa lạc phía sau đình. Thân cây có chu vi 6m, tán rộng 30m, cao chừng 25m, cây có cành lá rậm, xanh tốt quanh năm.  

Ông Nguyễn Như Hải - Chủ tịch Hội người cao tuổi của thôn - Trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đình làng cho biết không ai nhớ chính xác cây thị có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó được trồng vào thời điểm xây dựng đình làng (tức khoảng thế kỷ 14 - 15).    

Trong số 53 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến ban tặng cho ngôi đình, hiện còn lưu giữ sắc phong sớm nhất vào năm 1555 thuộc triều đại nhà Mạc. Như vậy, có thể cho rằng ngôi đình được xây dựng từ những năm trước đó và cây thị đã trường tồn trên 5 thế kỷ.  

Trải qua thăng trầm của thời gian, cây thị tuy có bị biến dạng khá nhiều như cành gãy, cụt ngọn, mục thân nhưng cho tới nay cây vẫn sừng sững, phát triển xanh tốt.    

Cây thị cổ thụ còn là nơi làm chòi quan sát, chòi chỉ huy dân quân du kích đánh giặc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.  

Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, nơi đây còn là trụ sở hội họp bí mật, che giấu cán bộ cách mạng, có thời gian là nơi chứa kho thóc nuôi quân.  

Vào năm 1964-1965, do trẻ em chơi đùa đốt rơm đã sơ ý để tàn lửa bén xuống gốc cây làm cho thân cây bị cháy âm ỉ suốt mấy ngày, dân làng phải gọi xe cứu hỏa giúp sức mới dập tắt được.  

Từ đó, dân làng Ngô Nội luôn gìn giữ, bảo vệ ngôi đình và cây thị cổ thụ. Ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn các đồ thờ cúng, tế lễ...

Vietnam+