Tham quan miễn phí tại khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long
Cập nhật: 03/01/2012
Tại lễ bàn giao, tiếp nhận khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) mới đây, TS. Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2012, du khách trong và ngoài nước có dịp vào tham quan miễn phí hai khu khảo cổ học A-B tại khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long vào các ngày trong tuần (trừ thứ 2 và thứ 6).

“Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết và được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Nội, đến một thời điểm nào đó, Trung tâm sẽ tiến hành thu phí điểm tham quan này”, ông Sơn cho biết thêm.

Theo Viện Khảo cổ học, khu khảo cổ A-B tại 18 Hoàng Diệu nằm ở phía Tây điện Kính Thiên. Đây là 2 trong 4 khu của di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long có phạm vi xuất lộ là 14.291m².

Cuộc khai quật khảo cổ 2 khu này diễn ra từ cuối năm 2002 đến tháng 3 năm 2004 đã tiến hành 45 hố khai quật, trong đó khu A có 25 hố, khu B có 20 hố. Nhiều hố trong đó đã được lấp cát bảo tồn dưới lòng đất, các hố còn lại được bảo tồn nguyên trạng trong nhà có mái che.

Kết quả khai quật khảo cổ học trong 4 khu cho thấy, A-B là khu vực phát hiện được nhiều nhất, phong phú nhất và nguyên trạng nhất dấu tích của các loại hình di tích kiến trúc, hệ thống cống nước, giếng nước, tường bao và hàng chục ngàn di vật, hiện vật bao gồm: vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành, đồ kim loại… thuộc các thời kỳ từ thời Đại La, thời Đinh-Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê nằm chồng xếp lên nhau. Trong đó, nhiều nhất và còn khá nguyên vẹn nhất là quần thể di tích kiến trúc thời Lý.

PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích ở khu A-B là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau tạo thành một tổng thể liên hoàn khá phức tạp nhưng rất phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long.

Bên cạnh đó, tại khu di tích này các nhà khảo cổ còn tìm được hàng triệu di vật khảo cổ trong đó có nhiều đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á, minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long xưa. Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, việc nghiên cứu đánh giá giá trị di tích ở khu A-B nói riêng, khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nói chung, cần phải đầu tư nghiên cứu khoa học nghiêm túc không chỉ về mặt thời gian mà cả về chiều sâu trong nghiên cứu so sánh, phân tích, hệ thống hóa tốt tư liệu mới có thể đưa ra những đánh giá chính xác, trên cơ sở đó mới giúp cho công tác lập hồ sơ khoa học có hiệu quả và đạt chất lượng cao.

Tại buổi lễ bàn giao, tiếp nhận, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, công việc nghiên cứu, bảo tồn tổng thể khu di tích vẫn còn rất bộn bề, đòi hỏi phải tập trung nguồn lực và thời gian lâu dài.

Sau khi tiến hành bàn giao khu A-B, đề nghị Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản, bảo đảm sự kế thừa liên tục, không gây ra những xáo trộn ảnh hưởng đến sự an toàn của di sản.

Việc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam bàn giao khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu cho UBND thành phố trực tiếp quản lý được xem là động thái quan trọng trong việc nhất thể hóa quản lý di sản.
Báo Văn hóa