Tôn vinh và bảo tồn nghệ thuật hát then, đàn tính
Cập nhật: 25/09/2007
Khoảng 400 nghệ nhân, diễn viên và hàng trăm nhà quản lý, nghiên cứu văn hoá dân tộc sẽ tham gia Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần 2, tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 3 đến ngày 5/10/2007.

Trong buổi họp báo ngày 25/9/2007, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ cho biết: liên hoan nhằm quảng bá, tôn vinh nghệ thuật hát then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái và khuyến khích gìn giữ, phát triển sáng tạo môn nghệ thuật này.

Trong khuôn khổ liên hoan sẽ có chương trình biểu diễn của các nghệ nhân, nghệ sĩ; triển lãm giới thiệu về không gian diễn xướng then; hội thảo về giải pháp bảo tồn và phát huy không gian nghệ thuật hát then, đàn tính trong thời kỳ hội nhập.

Thứ trưởng Thọ cũng cho biết: Điểm nhấn của liên hoan sẽ là đêm tôn vinh nghệ thuật hát then, đàn tính với những tiết mục đặc sắc nhất trong lễ bế mạc vào ngày 5/10/2007.

Liên hoan này cũng là một trong những bước chuẩn bị để lập đề án trình Chính phủ về việc đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát then, đàn tính là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới.

Hát then - đàn tính là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp có từ lâu đời, có vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Loại hình nghệ thuật này phát triển mạnh vào thời nhà Mạc (thế kỷ 15) và trở thành âm nhạc cung đình, phổ biến ở các tỉnh vùng núi phía bắc.

Các hình thức diễn xướng trong nghệ thuật hát then, đàn tính phản ánh một cách sinh động cuộc sống tinh thần và phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số ở những vùng nói trên và thường được sử dụng nhiều trong các dịp lễ hội, ma chay, cưới xin. 
 
Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra tại Thái Nguyên năm 2005 và dự kiến liên hoan lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Lạng Sơn vào năm 2009.
TTXVN