Sáng ngày 7/2 (tức 16 tháng Giêng âm lịch), hàng
ngàn ngư dân làng chài Xuân Hà (TP. Đà Nẵng) đã tập trung về đình thờ cá Ông
tại vịnh Đà Nẵng (bãi biển Nguyễn Tất Thành, TP. Đà Nẵng) cùng khai hội cầu Ngư
với mong muốn một năm mới an lành và bội thu.
Là một làng
chài ven biển chịu sự tác động mạnh mẽ của đô thị hóa nhưng hội cầu Ngư của các
ngư dân làng chài Xuân Hà vẫn duy trì và gìn giữ được những nét văn hóa truyền
thống của người dân vùng biển miền Trung.
Lễ hội cầu
Ngư làng chài Xuân Hà được thực hiện với sự tham gia của các bậc tiền bối cùng
các thế hệ ngư dân làng chài với mong ước cầu chúc cho một năm an lành, biển
lặng, thuyền đầy tôm cá.
Từ rất sớm,
các lão ngư làng chài Xuân Hà cùng con cháu đã tề chỉnh lễ phục, mâm cúng cùng
đội quân hát “Bả trạo” đến trước đình cá Ông trên bãi biển đường Nguyễn Tất
Thành để thực hiện các nghi lễ Nghinh Ông cùng màn hát “bả trạo”, hát chèo
thuyền….
Theo các
lão ngư, Lễ hội cầu Ngư được xuất phát từ Lễ tế Cá Ông (cá Voi), được xem là lễ
hội lớn nhất đối với ngư dân miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Đối với
ngư dân, việc thờ phụng Cá Ông không chỉ được xem là sự tôn kính đối với các
chư vị thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá. Các nghi
thức tế lễ và hoạt động lễ hội mang đậm nét dân gian gắn liền với cuộc sống đời
thường, tập tục của cư dân miền biển.
Cùng với Lễ
hội cầu Ngư làng chài Xuân Hà, nhiều làng chài ven biển như Mân Thái, Thọ
Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... cũng tổ chức Lễ hội cầu Ngư.