Trong 2
ngày 5-6/2 (tức ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch), tại xã Quang Yên, huyện Sông
Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ hội xuống đồng của dân tộc Cao Lan. Đây là dịp
để bà con dân tộc Cao Lan ở Quang Yên sinh hoạt văn hoá, đồng thời gửi gắm ước
mong của dân làng cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, ấm no và
hạnh phúc.
Lễ hội
xuống đồng từ bao đời nay đã trở thành nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của
người Cao Lan ở Vĩnh Phúc. Đã thành tục lệ, sau những ngày vui xuân, người Cao
Lan ở Quang Yên lại tất bật chuẩn bị một mùa sản xuất mới, các thôn bản người
Cao Lan lại nhộn nhịp chuẩn bị lễ hội xuống đồng. Từ vài ngày trước lễ hội, các
cụ cao niên trong xã đã tổ chức họp bàn, phân công những công việc chính chuẩn
bị cho ngày hội. Cánh thanh niên trai trẻ thì chuẩn bị trang phục, giầy dép,
các thiếu nữ thì ríu rít rủ nhau ngồi khâu còn, đan yến (để đá cầu) và làm
bánh, thức ăn phục vụ lễ hội.
Nội dung tổ
chức gồm hai phần lễ và hội. Ở phần lễ có lễ trình, dâng hương, cúng cầu mùa.
Phần hội có chương trình giao lưu văn nghệ, xuống đồng, ném còn, kéo co, đu
quay, bắn nỏ, đánh yến... Mở đầu là phần lễ dâng hương và lễ vật trước đền làng
để cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, no ấm đến mọi nhà. Khi
bài cúng chấm dứt, thầy cúng dẫn đầu đoàn người xuống đồng, giúp một thanh niên
khỏe mạnh cày những đường cày đầu tiên mở đầu cho mùa sản xuất mới trước sự
chứng kiến của dân làng và đông đảo người dân ở địa bàn lân cận.
Lễ hội
xuống đồng là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn
sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương,
cầu mong cho cuộc sống khoẻ mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi... Những trò chơi
trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, những tập
tục văn hoá lâu đời của cư dân lúa nước. Việc phục dựng lễ hội xuống đồng không
chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa mà qua đó còn nâng cao ý thức của
người dân trong việc tự gìn giữ, bảo vệ những di sản văn hóa của dân tộc mình.