Đưa nhã nhạc Huế hàng ngày đến với công chúng
Cập nhật: 09/02/2012
Từ khi nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã từng bước đầu tư, bảo tồn và phát huy, góp phần đưa nhã nhạc Huế hàng ngày đến với công chúng, nhất là khách du lịch mỗi khi có dịp đến tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế.

Trung tâm đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để trùng tu và đưa nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội (Huế) vào sử dụng. Đây cũng là một trong những địa chỉ biểu diễn Nhã nhạc Huế hàng ngày (4 suất/ngày) phục vụ khách tham quan.

Mới đây, nhà hát còn thành công ở một số lĩnh vực như: xây dựng và hoàn thành một số bộ hồ sơ nghiên cứu khoa học nhằm khôi phục và gìn giữ những giá trị di sản; tham gia biểu diễn vào các ngày lễ lớn của đất nước, biểu diễn quảng bá nhã nhạc và ca múa cung đình tại Nhật Bản; dàn dựng và trực tiếp tham gia liên hoan Hội diễn Tuồng toàn quốc tại Bình Định và Quảng Ninh…, được công chúng đánh giá cao.

Kế thừa những kết quả đã đạt được, trong năm 2012, nhà hát sẽ thực hiện một số chương trình mới như: dàn dựng các chương trình nghệ thuật tham gia Festival Huế 2012; dàn dựng một vở tuồng truyền thống để bảo tồn nghệ thuật tuồng cung đình; dàn dựng chương trình "Vũ khúc cung đình Huế", chương trình nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình; tham gia nhiều nội dung trong chương trình hoạt động Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, về lâu dài, nhà hát Duyệt Thị Đường cần phải có một chiến lược, cụ thể là đề ra những kế hoạch kéo dài 5 năm, 10 năm để việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản phi vật thể được hoàn thiện hơn.

Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn, để làm nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật như: tuồng, múa, nhã nhạc cung đình, cho nội cung.

Hiện nay, nhà hát đã quy tụ được hơn 170 nghệ sỹ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để tiếp tục sứ mệnh vốn có của mình. Nhà hát Duyệt Thị Đường hiện nay đã dàn dựng và biểu diễn thành công nhiều điệu múa cung đình, tiêu biểu như: “Trống Thái Bình”, “Tam luân cửu chuyển” (đại nhạc); “Phú lục dịch”, “Kim tiền” (tiểu nhạc); “Vũ phiến”, “Lục cúng hoa đăng” (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như: “Kỷ Lan Anh”, “Ôn Đình chém Tá”; đồng thời phục hồi được một số điệu múa khác như: “Trình tường tập khánh”, “Nữ tướng xuất quân”, “Lân mẫu xuất lân nhi”, “Song phụng”, “Long hổ hội”. Nhà hát còn dàn dựng được một số điệu múa nâng cao như: “Huyền Trân”, “Lộng Điệp”, “Xẩm Huế”, “Phách nhịp du Xuân”.

Ông Phan Thanh Hải khẳng định, thành công lớn nhất của nhã nhạc Huế từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đến nay là biến nó từ một loại hình âm nhạc chỉ chuyên phục vụ trong cung vua xưa, nay đã đến được rộng rãi với công chúng. Trong đó, có nhiều tiết mục được trình diễn ở nước ngoài như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Đặc biệt, trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục chế trang phục nhã nhạc Huế, gồm: áo mão đại nhạc; áo mão tiểu nhạc; áo giao lĩnh Bát Dật Văn, trấn thủ Bát Dật Võ..., đã làm tăng thêm giá trị của nhã nhạc Huế trong các chương trình biểu diễn.
Vietnam+