Ðiện Long
An là cung điện đẹp nhất trong kinh thành Huế đã tồn tại hơn 1,5 thế kỷ. Đây
nguyên là ngôi điện chính trong hành cung Bảo Định được Vua Thiệu Trị cho xây
dựng năm 1845 ở bờ Bắc sông Ngự Hà. Năm 1909, Vua Duy Tân cho dời về vị trí
hiện nay để làm thư viện của trường Quốc Tử Giám.
Những nỗ lực lớn lao của Hội
Đô Thành Hiếu Cổ đã dẫn đến việc Vua Khải Định ký chỉ dụ thành lập một bảo tàng
với “Nhiệm vụ sưu tầm và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh
đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”.
Trải qua
nhiều năm, với sự khắc nghiệt của khí hậu ở Huế và sự biến thiên của lịch sử,
mặc dù vào thập niên 90 đã từng được trùng tu, công trình kiến trúc này đã
xuống cấp nghiêm trọng về tổng thể. Để trả lại giá trị cho ngôi điện có kiến
trúc đẹp và độc đáo này, năm 2007, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp
với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) đã cho phục hồi điện
Long An. Kinh phí đầu tư tổng thể cho toàn bộ công việc thiết kế bảo tồn, tu bổ
điện Long An là trên 14 tỷ đồng. Và sau gần 5 năm trùng tu, điện Long An đã
được trả lại với dáng vẻ là một tuyệt tác nghệ thuật, là một cổ vật lớn nhất và
có giá trị nhất của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Cùng với
cung An Định ở bờ nam Sông Hương, việc hoàn thành tu bổ điện Long An, một cung
điện đặc sắc với lối kiến trúc mỹ thuật Á Đông sẽ góp phần làm phong phú thêm
cho hệ thống trưng bày của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Hơn 1 vạn cổ vật,
phần lớn những hiện vật là những tác phẩm nghệ thuật, các đồ dùng cho nhu cầu
sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của vua, hoàng gia và triều đình
cũng như các hiện vật Chămpa và những tặng phẩm, thương phẩm từ quan hệ ngoại
giao và thương mại giữa Việt Nam và các nước đã có được một không gian đẹp và
trang trọng để làm nổi bật thêm những giá trị của di sản ông cha để lại...
Sau 5 năm
đóng cửa để trùng tu, bắt đầu từ ngày 25/3/ 2012, Điện Long An, ngôi điện chính
dùng trưng bày của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ mở cửa trở lại để đón du
khách và nhân dân Huế đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu những giá trị của cổ vật triều
Nguyễn. Trong không gian cổ kính kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và nghệ
thuật trang trí, hơn một vạn cổ vật quý giá ghi dấu về cuộc sống của vương
triều Nguyễn xưa kia với đầy đủ chất liệu, chủng loại càng thêm lấp lánh với
những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc…