Tọa đàm khoa học về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Cập nhật: 28/03/2012
Trong khuôn khổ Lễ hội đền Hùng năm 2012, sáng 26/3, tại TP. Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Tín ngường thờ cúng Hùng Vương – Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam” nhằm thu thập thêm các ý kiến đánh giá, phân tích về giá trị văn hóa - lịch sử của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; xác định vị trí, sự cần thiết của tín ngưỡng trong đời sống tâm linh người Việt Nam; đưa ra các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tín ngưỡng; đồng thời hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tham dự tọa đàm có: Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Minh Châu; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh cùng nhiều viện sĩ, giáo sư, tiến sỹ thuộc Hội đồng khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia và Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam.  

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận tập trung vào một số vấn đề tiêu biểu như: giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa dân tộc; thực hành thờ cúng Hùng Vương, sự nối tiếp và sáng tạo của tín ngưỡng trong cộng đồng; biện pháp nâng cao nhận thức bảo tồn tín ngưỡng ở cả 3 cấp (địa phương, quốc gia và quốc tế); vai trò của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng trong việc thờ cúng Hùng Vương; mối quan hệ giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể; nghi thức hành lễ với sự tham gia của nhân dân – đối tượng giữ vai trò chủ thể trong các hoạt động...

Bên cạnh những tham luận nêu bật giá trị và ý nghĩa to lớn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các đại biểu cũng đã đưa ra một số kiến nghị nhằm bảo tồn Khu di tích lịch sử đền Hùng cũng như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội; khuyến khích việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội; phục dựng có chọn lọc nghi thức lễ hội truyền thống; khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi ở trong và ngoài nước về nguồn gốc, giá trị truyền thống tiêu biểu, độc đáo của lễ hội; tổ chức các tour du lịch để góp phần phát huy giá trị Khu di tích đền Hùng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương, các đối tác kinh doanh du lịch và du khách trong việc bảo tồn di tích...  

Trong tâm thức của người Việt, Vua Hùng được coi là Tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Với sự thiêng liêng của tín ngưỡng thờ Vua Hùng, ý thức cộng đồng dần được hình thành từ trong gia đình, củng cố trong làng xã và phát triển trong cả nước. Ở phương diện xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện tính gắn kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết của dân tộc, là sức mạnh tinh thần để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi gian nan, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Những năm qua, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), cùng với tỉnh Phú Thọ, nhiều địa phương trên cả nước cũng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng để thể hiện sự tri ân, báo hiếu với Tổ tiên. Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành sự kiện quốc gia, ngày hội lớn của đồng bào cả nước.

Phạm Phương (TTTTDL)