Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn
Cập nhật: 10/04/2012
Ngày 6/4, tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ban khánh tiết và Ban tế tự đình làng An Vĩnh đã long trọng tổ chức Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đã quên mình để gìn giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước; nguyện nối tiếp truyền thống cha, ông quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lễ khao lề tế (thế) lính Hoàng Sa của người dân sống trên đảo Lý Sơn đã có từ hơn 400 năm trước, được các tộc họ trên đảo thường xuyên tổ chức hàng năm vào dịp trung tuần tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch; là lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống lâu đời của các tộc họ trên huyện đảo này.  

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay gồm các phần: Lễ cáo yết nghinh thần được tổ chức vào tối 15/3 Nhâm Thìn; các lễ rước chiến trận vong từ Âm linh tự vềđình làng An Vĩnh, lễ khao lề tế và lễ thả thuyền tế lính Hoàng Sa.    

Riêng lễ thả thuyền tế lính được các nghệ nhân là bô lão của đình làng làm mô hình chiếc thuyền câu nhỏ bé, cùng những bài vị, hình nhân thế mạng, thịt, gạo, muối... của đội dân binh Hoàng Sa, là những thứ không thể thiếu trong lễ khao lề thế lính. Lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống trên đảo, tái hiện lại những đội thuyền năm xưa ra đi bảo vệ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.  

Theo chính sử của nhà nước phong kiến Việt Nam, đội Hoàng Sa được lập từ thời "đầu bản triều," tức thời các chúa Nguyễn thiết lập bộ máy chính quyền ở phía Nam Tổ quốc và hoạt động liên tục trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa suốt hơn 3 thế kỷ.  

Ngay từ buổi đầu lập đội Hoàng Sa, mỗi đợt có 70 dân binh của hai làng An Vĩnh và An Hải đi bằng 5 chiếc thuyền câu ra biển. Họ được cấp mỗi người 6 tháng lương thực và 1 chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và 1 thẻ bài ghi danh tánh, để nếu rủi ro xảy ra thì bó xác lại và thả xuống biển may ra nếu trôi dạt vào bờ có người vớt chôn và biết tên họ. Họ dùng thuyền buồm để tuần tra canh phòng tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cứ tháng 2 âm lịch ra đi đến tháng 8 âm lịch lại dong buồm trở về đảo Lý Sơn.    

Tuy nhiên, hàng nghìn dân binh đi làm nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc đó không mấy người được trở về, thịt xương và linh hồn họ đã hòa vào biển cả. Chính vì vậy, trên đảo vẫn lưu truyền câu hát: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa."  

Những câu ca này là lời tóm tắt cho hàng trăm số phận của những hùng binh trong đội Hoàng Sa-Bắc Hải. Vì thế nên mỗi lần các dân binh chuẩn bị đi Hoàng Sa-Trường Sa là các tộc họ làm Lễ khao lề tế (thế) lính Hoàng Sa.

Vietnam+