Đến gần hơn với giá trị di sản
Cập nhật: 13/04/2012
Để hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trung tâm Triển lãm văn hóa Việt Nam, Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn di sản Việt Nam, Sở VHTTDL các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tổ chức triển lãm “Về miền di sản” tại Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên – Huế nhằm giới thiệu với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc của khu vực Bắc Trung bộ.

               Trang sức của người Việt cổ 
Triển lãm trưng bày ba nội dung: Văn hóa Đông Sơn, di sản các tỉnh Bắc Trung bộ và triển lãm ảnh “Về miền di sản”, trong đó điểm nhấn là khu trưng bày “Văn hóa Đông Sơn - Rực rỡ một nền văn minh Việt cổ" lần đầu tiên được tổ chức tại Festival Huế.    

Văn hoá Đông Sơn có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử, văn hoá của đất nước, được biết đến như là cơ sở vật chất cho sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của Việt Nam. Tại khu trưng  bày Văn hóa Đông Sơn, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng hơn 1000 cổ vật đại diện cho nền Văn hóa Đông Sơn như: nhạc khí (thanh la, lục lạc, chuông voi…), vũ khí (dao, kiếm, lẫy, nỏ, chắn tâm...), công cụ lao động sản xuất (lưỡi cày, lưỡi cuốc, rìu, lưỡi hái, công cụ đánh bắt, đọi xe chỉ…), đồ dùng sinh hoạt (thạp đồng, muôi, thìa, âu, đĩa, bát, các loại đèn thắp sáng, các loại dao dân dụng và dao mỹ nghệ…), đồ trang sức (bao đầu, bao tay, trâm cài tóc, gương, khuy, đai áo, vòng, khuyên, chuỗi hạt…), đồ tế khí (tùy táng), đồ gốm…, trong đó nổi bật là trống đồng - đỉnh cao về nghệ thuật đúc đồng của người Việt cổ.    

Tại khu trưng bày di sản các tỉnh Bắc Trung bộ, thông qua các hình ảnh, tư liệu, sách báo, băng đĩa, tỉnh Thừa Thiên – Huế giới thiệu đến công chúng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế đã được UNSECO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Việt Nam) cùng một số loại hình nghệ thuật như: tuồng, múa cung đình... Miền di sản xứ Thanh tập trung nêu bật giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Miền di sản Nghệ An trưng bày theo 3 nội dung: "Nghệ An - Đất nước - Con người”, "Làng Sen – Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh” và "Nghệ An - Tiềm năng phát triển du lịch”. Miền di sản Hà Tĩnh được chia làm 4 khu vực: không gian quảng bá hình ảnh các di sản của Hà Tĩnh; không gian trình diễn bói Kiều; không gian giới thiệu các sản phẩm ẩm thực, quà lưu niệm và không gian quảng bá giới thiệu văn hóa, du lịch Hà Tĩnh. Miền di sản Quảng Bình tập trung giới thiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Miền di sản Quảng Trị chia theo 3 chủ đề: di tích lịch sử, văn hoá Quảng Trị; hoài niệm chiến trường xưa và lễ hội, làng nghề truyền thống Quảng Trị...  

Bên cạnh Văn hóa Đông Sơn và di sản các tỉnh Bắc Trung bộ, triển lãm ảnh “Về miền di sản” cũng được trưng bày nhằm giới thiệu đến công chúng một cách tổng thể những giá trị di sản cũng như tiềm năng văn hoá, du lịch khu vực duyên hải Bắc Trung bộ.    

Triển lãm “Về miền di sản” là dịp để khẳng định thế mạnh và tiềm năng của du lịch di sản Việt Nam nói chung và các tỉnh Bắc Trung bộ nói riêng, đặc biệt khi di sản được xem là tài nguyên du lịch có giá trị để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên – Huế tăng cường liên kết phát triển du lịch khu vực nhằm khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương.   Triển lãm được khai mạc từ ngày 5/4 và sẽ kéo dài đến hết ngày 20/4.  

Phạm Phương (TTTTDL)