Theo ông Randy - Chuyên gia du lịch của UNESCO, việc xác định cụ thể và đúng đắn mục tiêu quảng bá là một yêu cầu rất quan trọng trong quá trình xây dựng một kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch chất lượng và khả thi của ngành Du lịch Quảng Nam.
Di sản, ẩm thực là những yếu tố hấp dẫn du khách
Sở VHTTDL Quảng Nam với sự hỗ trợ của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tiến hành khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 411 du khách (218 khách quốc tế và 193 khách nội địa) tại điểm đến Hội An. Kết quả cho thấy: Hội An đã thu hút được thị trường khách khá đa dạng, khoảng 72% du khách là những nhân viên hành chính (33%), những người có chuyên môn sâu (27%) và là quản lý cao cấp (12%). Những du khách này thường có nhu cầu chi tiêu khá cao và đặc biết rất cần lượng thông tin khá lớn, chuẩn xác để phục vụ mục đích tham quan trải nghiệm, nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, thời gian lưu trú tại Hội An không dài, khoảng 40% du khách chỉ lưu trú 1 đêm, 27% du khách lưu trú 2 đêm, 16% du khách lưu trú 3 đêm. Lượng khách đến tham quan Hội An thường xuyên tương đối cao nhưng số lần quay lại của khách vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của di sản văn hóa thế giới, với 60% du khách đến Hội An 1 lần, 18% du khách đến 2 lần, 10% du khách đến 3 lần.
Khi được phỏng vấn ý định quay trở lại tham quan Hội An, đa số du khách (59,4%) cho biết, chắc chắn sẽ giới thiệu điểm đến Hội An với bạn bè, người thân và 39,2% du khách chắc chắn sẽ quay lại Hội An trong 5 năm tới.
Lý do chủ yếu khiến du khách chọn Hội An làm điểm đến trong hành trình du lịch của mình bởi đây là điểm trung chuyển quan trọng khi du khách đến di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, ẩm thực, lịch sử, văn hóa và các bãi biển đẹp cũng là những nhân tố tác động tích cực đến sự chọn lựa điểm đến của du khách.
Ngoài điểm tham quan chính là phố cổ Hội An với 88% du khách đã chọn lựa, các điểm tham quan ngoài khu du lịch chính được du khách tìm đến đó là: Di sản thế giới Mỹ Sơn (39%), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (23%), bãi biển (22%), trải nghiệm lịch sử văn hóa (28%).
Đề xuất thiết thực của các chuyên gia
Trên cơ sở kết quả cuộc khảo sát này, các chuyên gia du lịch của Tổ chức SNV đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó để thu hút thị trường khách chi tiêu cao và có nhận thức về văn hóa xã hội, cần nâng cao chất lượng cung cấp thông tin trực tuyến về Quảng Nam bằng nhiều ngôn ngữ phổ biến; triển khai các chiến dịch quan hệ công chúng và cần có kế hoạch tái khởi động quảng bá con đường di sản miền Trung.
Tiếp đó, khi đã thu hút được thị trường khách mong muốn, ngành du lịch Quảng Nam cần phải triển khai các hoạt động nhằm tăng thời gian lưu trú cũng như tăng mức chi tiêu của du khách. Xây dựng và quảng bá các chương trình tham quan dài ngày mà Hội An là điểm trung tâm (chú trọng chất lượng tour toàn diện về hướng dẫn viên, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của điểm đến), nâng cấp các điểm bán vé tham quan hiện có từ hình thức cảnh quan đến chất lượng cung cấp thông tin là những hoạt động ngành Du lịch Quảng Nam cần chú trọng.
Thêm nữa, các chuyên gia cho rằng “tự làm mới mình” bằng những hoạt động giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch mới của địa phương, vận động các doanh nghiệp tăng cường đầu tư công tác đào tạo nâng cao kỹ năng cho nhân viên; đồng thời hàng năm cần tổ chức các cuộc khảo sát chuyên ngành đối với du khách để có thể quản lý giám sát tốt chất lượng dịch vụ và chia sẻ với khối doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm những hoạt động văn hóa thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế, những sự kiện đặc trưng của địa phương vào mùa thấp điểm, duy trì các phân khúc thị trường khác nhau để tăng lượng khách đến trong thời gian mùa thấp điểm và giao mùa.
Việc tổ chức định kỳ các đoàn farm trip cho doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí khảo sát tiềm năng, thế mạnh tại các điểm đến ngoài khu di sản cũng là một biện pháp hữu hiệu để ngành Du lịch Quảng Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.