Sáng 18/4, tại Quảng trường
Tây Nguyên thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn
ra lễ khai mạc triển lãm Làng nghề dân gian truyền thống nhằm củng cố, nâng cao
giá trị các làng nghề; đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công
truyền thống trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đây là một
trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Triển lãm thu hút sự tham gia của 20 làng nghề
đại diện cho 13 cộng đồng dân tộc Việt Nam như: Khmer, Chăm, BaLa, Ê Đê,
Tày, Nùng, Dao, Mường…
Với hơn 20 gian trưng bày, triển
lãm đã tái hiện các làng nghề dân gian truyền thống tiêu biểu như: rượu làng
Vân, mỳ Chũ (Bắc Giang); rượu cần (Hòa Bình); dệt thổ cẩm (Hà Giang); tranh đá
quý, gốm sứ Bát Tràng, dệt Triều Khúc, lụa Hà Đông, vàng bạc Kiêu Kỵ, tranh
Hàng Trống (Hà Nội)…; đồng thời giới thiệu một số làng nghề truyền thống đang
có nguy cơ bị mai một, giúp du khách hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa các dân tộc,
qua đó giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và nét đẹp các làng nghề. Đến
tham quan triển lãm, du khách còn được các nghệ nhân chia sẻ quy trình sản xuất
các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, giàu tính nghệ thuật.
Nghề thủ công và làng nghề
dân gian ở Việt Nam
đã có từ lâu đời, trở thành một bộ phận không thể thiếu của truyền thống văn
hóa dân tộc. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là những vật dụng trong sinh
hoạt thường ngày mà còn là sản phẩm có tính văn hóa, làm phong phú hơn bản sắc
văn hóa truyền thống dân tộc.
Triển lãm Làng nghề dân gian
truyền thống là cơ hội để bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống
cũng như tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới
thiệu những sản phẩm thủ công tinh xảo, được sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo,
tài hoa của các nghệ nhân. Những sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc của các
làng nghề được trưng bày tại triển lãm mang đến cho du khách những khám phá thú
vị về bản sắc văn hóa dân tộc trên mỗi vùng miền của Tổ quốc.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết
ngày 22/4.
Phạm Phương (TTTTDL)