Chợ vùng cao phía Bắc giữa lòng Hà Nội
Cập nhật: 20/04/2012
Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam, sáng 19/4, tại Khu chợ phiên thuộc Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chương trình Chợ vùng cao phía Bắc với sự tham gia của 6 cộng đồng dân tộc, gồm: Mông, Dao, Mường, Thái, Tày, Nùng.

Đây là lần đầu tiên không gian chợ truyền thống của một số dân tộc vùng cao phía Bắc - nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa và gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc - được tái hiện trong Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm trưng bày, giới thiệu nét đặc trưng văn hóa các dân tộc thông qua các sản phẩm văn hóa, sản vật địa phương, hàng thủ công truyền thống, các loại hình nghệ thuật đặc sắc...  

Chợ vùng cao phía Bắc là một không gian mở với trên 30 gian hàng được chia thành bốn khu chính, bao gồm: chợ vùng núi phía bắc, chợ người Hoa phía nam, chợ quê và chợ nổi vùng sông nước. Mỗi gian hàng đều mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo của từng dân tộc thể hiện từ cách bày bán hàng hóa đến trang phục, cách thể hiện, ngôn ngữ của người bán hàng.  

Đến với phiên chợ, ngoài việc tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, du khách còn có thể mua sắm những sản vật đặc trưng của đồng bào dân tộc ngay trong lòng Hà Nội, như: mật ong rừng, thắng cố (Hà Giang); lá thuốc, chè tươi, măng ngọt (Sơn La); rượu gạo, mỳ chũ (Bắc Giang); thổ cẩm (Hòa Bình)…    

Tại phiên chợ còn diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ; các trò chơi dân gian truyền thống (đấu vật, đẩy cậy, đánh cầu, leo cột…); trình diễn cách thức sản xuất nhiều mặt hàng truyền thống (dệt thổ cẩm, nấu rượu gạo…); chế biến nhiều món ăn đặc sản các vùng, miền (xôi ngũ sắc, mèn mén, thắng cố…).  

Chợ vùng cao phía Bắc sẽ kéo dài đến hết ngày 22/4, là dịp để nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước khám phá, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng núi phía Bắc nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung; tạo tiền đề quảng bá, xúc tiến du lịch phát triển bền vững.

Phạm Phương (TTTTDL)