Từ ngày 26 - 30/4/2012, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ
thuật Việt Nam
(Số 2 Hoa Lư, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình “Sắc màu văn hóa Tây Bắc” do Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố:
Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hà Nội tổ chức.
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc
Việt Nam
(19/4) và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước (Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất
đất nước - 30/4, Ngày Quốc tế lao động - 1/5, Ngày chiến thắng Điện Biên phủ
lịch sử - 7/5 và 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - 19/5).
Lễ khai mạc chương trình mang chủ đề “Lung linh sắc màu Tây
Bắc” sẽ được tổ chức hoành tráng. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình còn có các
hoạt động triển lãm, văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, lễ hội, trình diễn trang phục
dân tộc, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực, tái hiện phiên chợ vùng cao, giới
thiệu các di tích, danh thắng nổi tiếng vùng Tây Bắc…
Vùng núi Tây Bắc bao gồm các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện
Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai, chiếm diện tích gần 51.000 km². Nơi đây hấp
dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với nhiều khu rừng nguyên sinh
như: vườn quốc gia Hoàng Liên, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường
Phăng; nhiều dãy núi cao, trong đó dãy Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan-xi-păng cao
3.143m được mệnh danh là "nóc nhà của Đông Dương". Vùng Tây Bắc còn có
nhiều điểm cao trên 1.000m với khí hậu mát mẻ quanh năm như: Sa Pa (Lào
Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La); nhiều hang động và suối nước nóng,
thích hợp để phát triển loại hình du lịch nghỉ mát, dưỡng bệnh. Không những
thế, đây còn là nơi tập trung sinh sống của hơn 20 dân tộc thiểu số với bản sắc
văn hoá hết sức đặc trưng cùng nhiều lễ hội, loại hình nghệ thuật, sản phẩm thủ
công truyền thống, đặc sản ẩm thực…, chứa đựng tiềm năng lớn để phát triển du
lịch văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch sinh thái.
Chương trình “Sắc màu văn hóa Tây Bắc” là hoạt động văn hoá
lớn mang ý nghĩa xã hội thiết thực, nhằm quảng bá, giới thiệu, tôn vinh giá trị
văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, tăng cường khối đại
đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh
Tây Bắc giới thiệu tới nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và bạn bè quốc tế
một bức tranh tổng thể về vùng núi Tây Bắc với những giá trị và bản sắc văn hóa
độc đáo, riêng có.
Phạm Phương (TTTTDL)