Song hành với sự phát triển của ngành kinh tế
mũi nhọn du lịch, các sản phẩm văn hóa và sản phẩm thủ công đang được chính
quyền địa phương Hội An (Quảng Nam) đặc biệt quan tâm đầu tư để vừa trở thành
các sản phẩm du lịch vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa.
Ông Đỗ Đình Phô - Phó Trưởng
phòng Kinh tế TP Hội An cho biết: Ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) tại Hội An bắt
đầu phát triển mạnh những năm 1999 với khá nhiều sản phẩm truyền thống như đèn
lồng, mộc điêu khắc, gốm mây tre mỹ nghệ, thêu, cói… Các làng nghề cũng được
hình thành dần và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm
thủ công thiếu ổn định, chủng loại sản phẩm chưa thật sự đa dạng, sản phẩm chưa
mang tính đặc trưng của di sản Hội An, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mang tính gia
đình nên ít quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng như công tác
xúc tiến quảng bá định vị thương hiệu cho sản phẩm.
Việc xử lý nguyên liệu chống
mối mọt đối với hàng mây, tre, gỗ để đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm cũng
đặt ra bài toán chưa có lời giải hoàn hảo.
Theo ông Đỗ Đình Phô, Hội An
đã và đang triển khai dự án “Tư vấn chính sách về môi trường: phát triển công
nghiệp xanh” của Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO). Dự án đã tổ chức
lớp đào tạo cho các nghệ nhân thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công và hỗ trợ thành
phố triển khai biện pháp xử lý mối mọt nguyên liệu mây tre trong sản phẩm đèn
lồng, nhưng thực tế, việc thực thi tại các cơ sở sản xuất chưa triệt để, chưa
tuân thủ quy trình. Nguồn nguyên liệu tre tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu
sản xuất từ 200.000 đến 250.000 sản phẩm/năm.
Nhiều hỗ trợ
Quyết định số 04/QĐ-UBND
được UBND thành phố Hội An ban hành tháng 01/2011 về cơ chế hỗ trợ khuyến khích
phát triển ngành TCMN đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Hội
An trong định hướng phát triển kinh tế công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp
(CN-TTCN) của địa phương. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP Hội An khẳng
định: “Hội An luôn nhất quán định hướng phát triển du lịch trên nền tảng văn
hóa và sinh thái, song hành với việc tạo điều kiện tối đa cho ngành CN-TTCN
phát triển bằng những chính sách ưu đãi cụ thể. Hàng năm, ngân sách thành phố
dành 300 triệu đồng cho lĩnh vực khuyến công, hỗ trợ công tác đào tạo nghề,
chuyển giao công nghệ, ưu đãi lãi suất và quy hoạch làng nghề.
Thành phố Hội An cũng đã
khôi phục và hình thành các làng nghề truyền thống như: mộc Kim Bồng, rau Trà
Quế, gốm Thanh Hà và đã trở thành các điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn. Hiện
nay, thành phố cũng đang hình thành làng nghề tre tranh Cẩm Thanh và nghiên cứu
tiếp nhận dự án xây dựng làng tre Việt Nam.
Ngoài ra, thành phố còn tổ
chức hội đèn lồng Hội An vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, hội thi sáng tạo sản phẩm
TCMN lưu niệm hàng năm. Tất cả những nỗ lực của chính quyền Hội An đã mang lại
những hiệu ứng xã hội rất tích cực, góp phần tạo việc làm cho nhân dân các vùng
phụ cận di sản, thực hiện chủ trương cộng đồng cùng hưởng lợi từ di sản.
Thông điệp từ một dự án
Tín hiệu vui từ thị trường
khách Nga sẽ đến với Hội An, Quảng Nam từ tháng 03/2012 đã được nhân lên gấp
bội khi UBND TP Hội An vừa có buổi làm việc với VP UNESCO Hà Nội và đại diện
Quỹ Ủy thác Hàn Quốc (Bộ Văn hóa Hàn Quốc) bàn triển khai dự án “Hỗ trợ sản
phẩm thủ công, dấu ấn của di sản thế giới”. Mục tiêu của dự án đã góp phần giải
tỏa phần lớn những trăn trở, bất cập hiện nay của ngành thủ công và sản phẩm
thủ công trên địa bàn Hội An.
Bà Dương Bích Hạnh - Trưởng
ban Văn hóa VP UNESCO tại Hà Nội cho biết: “ Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ
các hoạt động tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương xung quanh các điểm di sản
thế giới, thông qua việc tăng cường gắn kết giữa sản xuất các sản phẩm thủ công
và du lịch”.
Với nguồn tài trợ từ Quỹ Ủy
thác Hàn Quốc (dự kiến là 100.000 đô la Mỹ) cho hai di sản của Quảng Nam thông
qua VP UNESCO, với sự hỗ trợ chuyên ngành đào tạo thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ
công của tổ chức Craft Link, dự án sẽ triển khai thực hiện trong 24 tháng với 4
cấu phần chủ yếu, đó là: nghiên cứu và tổng hợp dữ liệu; phát triển sản phẩm;
quảng bá tiếp thị; tổng hợp các bài học kinh nghiệm.