Sau nhiều năm hoạt động cầm chừng vì nhiều lý do khác nhau, gần đây hoạt
động du lịch Thái Nguyên đã bắt đầu khởi sắc, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du
khách khi đến với miền đất được mệnh danh là "Thủ đô gió ngàn".
|
Du khách tham quan di tích đồi
Khau Tý |
Trưởng phòng Nghiệp vụ du
lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) Hoàng Văn Quý cho
biết: Ðể mở thêm các tour, tuyến du lịch mới, năm 2012 Thái Nguyên đã có chương
trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên
Quang. Dự kiến đến cuối năm nay, chương trình Du lịch qua những miền Di sản
Việt Bắc với sự tham gia của các tỉnh: Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn -
Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được tổ chức tại Cao Bằng.
Hiện tại, ngoài tổng số 780
điểm di tích lịch sử và danh thắng, hệ thống 160 khách sạn, nhà nghỉ với gần
2.700 phòng, trong đó có gần 800 phòng nghỉ cao cấp, Thái Nguyên còn có thêm
một số điểm du lịch văn hóa truyền thống, du lịch sinh thái mới được xây dựng
như: làng văn hóa Bản Quyên (xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa); không gian văn hóa
trà (huyện Tân Cương); khu nghỉ dưỡng lão và khu du lịch sinh thái Phúc Xuân
(TP. Thái Nguyên),... tất cả tạo thành một hệ thống đồng bộ, gần như khép kín,
từ đi lại, ăn, uống, ngủ, nghỉ và mua sắm.
Theo số liệu tổng hợp của
Phòng Nghiệp vụ du lịch, chỉ trong thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 4/2012,
Thái Nguyên đã đón gần 300 nghìn lượt khách, tăng gần 60 nghìn lượt khách so
với cùng kỳ năm 2011. Riêng trong bốn ngày nghỉ (từ ngày 28/4 đến ngày 1/5),
các điểm tham quan, du lịch của tỉnh đã đón tiếp gần 55 nghìn lượt khách, trong
đó khu di tích ATK Ðịnh Hóa đã đón tiếp 16 đoàn, 465 lượt khách; bảo tàng văn
hóa các dân tộc Việt Nam đã đón tiếp 1.500 lượt khách; các doanh nghiệp lữ hành
phục vụ đón tiếp 2.500 lượt khách...
Theo phó Phòng Nghiệp vụ du
lịch Phạm Thu Hương: So với trước đây, các điểm du lịch của tỉnh cũng như hệ
thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ đưa đón du khách đã có sự chuyên
nghiệp hơn. Qua kiểm tra, 100% số khách sạn, nhà nghỉ đều đạt tiêu chuẩn, trong
đó có năm khách sạn ba sao. Hầu hết các đơn vị tham gia dịch vụ du lịch đều đầu
tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách.
Cũng trong quý I năm nay, đơn vị đã tiếp nhận và thẩm định mới, thẩm định lại
12 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn. Giám đốc khu nghỉ dưỡng lão và du lịch
sinh thái Phúc Xuân Nguyễn Văn Thanh cho biết: Khu có bảy nhà sàn truyền thống
được dựng theo mẫu nhà của đồng bào Tày, Nùng ở Việt Bắc để phục vụ du khách.
Ðơn vị luôn lấy chất lượng phục vụ du khách làm tiêu chí hàng đầu... Về du lịch
sinh thái, ông Ma Ðình Hiệu, Trưởng thôn Bản Quyên cho biết, hiện 15 hộ trong
bản đã làm nhà sàn. Nhà nào cũng luôn mở rộng cửa để đón du khách tham quan. Về
với Bản Quyên, du khách có dịp thăm bia di tích lịch sử ghi dấu ấn năm 1947 Bác
Hồ về ATK lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, chiêm ngưỡng dòng suối Ðồng Lá, Nạ
Tra uốn mình mang nước tưới cho cánh đồng Nạ Vờ, Nạ Ðút nằm bên đồi Khau Tí –
nơi Bác Hồ đã sống và làm việc năm xưa (1947), thưởng thức các món đặc sản địa
phương như: măng vầu, cơm lam, gà đồi…
Từ Bản Quyên về TP. Thái
Nguyên, đến thăm Công ty khách sạn du lịch Dạ Hương 2, Giám đốc công ty Ðỗ
Trọng Hiệp cho biết: Khách sạn Dạ Hương 2 đạt tiêu chuẩn ba sao với 50 phòng,
102 giường, đội ngũ nhân viên buồng phòng, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp. Hầu
hết du khách trong nước, quốc tế sau khi nghỉ tại khách sạn đều quay trở lại
lần sau. Qua trò chuyện, chúng tôi còn được biết: Công ty của ông Hiệp mới được
Tổng cục Du lịch cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế vào cuối năm 2011.
Ðây là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực du lịch, lữ hành quốc tế đầu tiên của
Thái Nguyên được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép. Ông Hiệp cho biết: Ngay sau
khi được cấp giấy phép, đến nay, công ty đã phục vụ được 500 lượt khách tham
gia các tour, tuyến từ Thái Nguyên đến các nước Thái-Lan, Trung Quốc,
Ma-lai-xi-a...
Du lịch đã thật sự trở
thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Nguyên. Mỗi năm, ngành đem lại lợi
nhuận hàng tỷ đồng và tạo được việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Cũng
vì vậy, trong các năm gần đây, ngành du lịch luôn nhận được sự quan tâm của
tỉnh, thông qua việc các điểm di tích lịch sử, khu du lịch được tỉnh quan tâm
thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hiện Khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc
đã có bãi đỗ xe; đường ven hồ Núi Cốc đang được tiếp tục thi công. Ðặc biệt là
cần nhắc tới dự án đường hầm xuyên Tam Ðảo - Thái Nguyên đang được cơ quan chức
năng nghiên cứu, khảo sát. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh Phạm Thái Hanh, từ đầu năm 2012 đến nay, du lịch Thái Nguyên đã có nhiều
khởi sắc, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế tham gia các dự án
chi tiết phát triển dịch vụ du lịch như: đầu tư xây dựng khu du lịch hồ Núi Cốc
thành trung tâm thương mại tổng hợp, khu du lịch có tầm cỡ quốc tế và khu vực.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cũng đã hoàn thiện các dự án bảo
tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng ATK của Trung ương Ðảng, Chính phủ tại
huyện Ðịnh Hóa, gắn với phát triển du lịch, để qua đó phát huy các giá trị di
sản văn hóa lịch sử phục vụ du khách tham quan. Trung tuần tháng 5/2012, đơn vị
sẽ khai mạc Hội chợ Du lịch ẩm thực và làng nghề truyền thống, mà nét độc đáo
của hội chợ này là tái hiện chợ kháng chiến vào những năm 1947-1954.