Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành di sản tư liệu thế giới
Cập nhật: 17/05/2012
Bộ mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu tại kỳ họp toàn thể lần thứ 5 chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra vào chiều ngày 16/5 tại Bangkok (Thái Lan).

Bộ mộc bản này gồm 3050 đơn vị ván khắc, trong đó có 2 bộ kinh phật và luật sa di giới, luận bàn, giải thích về kinh phật và trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị cao tăng thiền phái Trúc Lâm.

Kinh sách được khắc trên gỗ thị - loại gỗ mềm, mịn, dai, dễ khắc và không bị cong, vênh. Sách được khắc âm bản (ngược) để khi in ra thành chữ xuôi


Ông Phạm Cao Phong, trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp trên cho biết: "Chúng ta đã có sự chuẩn bị rất tốt từ khâu lập hồ sơ, trình bày và bảo vệ thành công trong lần đề cử này. Bộ mộc bản đã giành được 100% số phiếu ủng hộ, khẳng định sự thành công trong công tác chuẩn bị và vận động của chúng ta, trong đó có sự giúp đỡ rất tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Đây cũng là sự công nhận về mặt giá trị lịch sử của quốc tế đối với chúng ta".

Tại kỳ họp này, UNESCO đã công nhận bốn di sản tư liệu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là di sản tư liệu thế giới, trong đó bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm của Việt Nam được công nhận dựa trên ba tiêu chí là: tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí vai trò trong khu vực.


Kho Mộc kinh gồm 3050 bản ván khắc được lưu giữ trong 7 tạng kinh tại chùa


Giá trị đặc biệt của bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở chỗ tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc được thể hiện công phu trên mỗi mộc bản. Ở các ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối đều cho biết chính xác thời gian chế tác, người khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.

Nhiều mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Nôm, loại văn tự của riêng người Việt Nam với nhiều sáng tạo độc đáo. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Viêt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm.

Trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, trên thế giới có nhiều người quan tâm học chữ Nôm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Bởi vậy, chữ Nôm ở bộ mộc bản này sẽ là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để giúp họ tra cứu, tham khảo.

Những mộc bản này cũng sẽ là bảo vật vô giá của quốc gia, giúp người đời sau hiểu một cách chính xác và đầy đủ về lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm, thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hóa của đất nước ta, lịch sử nghề khắc in mộc bản, tư tưởng, văn hóa Việt Nam.

Như vậy, cho tới nay, Việt Nam đã có ba di sản tư liệu thế giới là: bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), mộc bản Triều Nguyễn và bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).
Vietnam+