Cơ
quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Tiền
Giang tổ chức Hội nghị Bảo vệ môi trường văn hóa du lịch và An toàn giao thông
du lịch đường thủy vì sự phát triển du lịch bền vững năm 2012.
Theo đó, Hội nghị xác định nhiệm vụ trước mắt, bên cạnh
việc đẩy mạnh xã hội hóa - phát triển du lịch cộng đồng, những người làm du
lịch cần chú ý khắc phục triệt để sự “nhầm lẫn” giữa khái niệm “du lịch phát
triển bền vững” với “duy trì tốc độ phát triển du lịch”, đồng thời, phải xem
văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu
Long là nguồn tài nguyên quan trọng để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo
điều kiện để các sản phẩm đó tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, việc khai
thác, phát huy các loại hình văn hóa như di tích, lễ hội, nghệ thuật, tín
ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, ẩm thực… để liên kết, tạo ra sự phong phú
cho các sản phẩm du lịch đặc thù vùng sông nước.
Tiền Giang hiện nay đang là điểm sáng về du lịch của
khu vực đồng bằng sông Cửu Long với
lượng khách bình quân đón từ 50-70 đoàn/ngày. Vấn đề đặt ra không phải do lượng
khách tăng khả quan mà chỉ chú trọng đến cái lợi trước mắt, để phục vụ tốt du lịch,
yêu cầu cấp thiết là cần có định hướng để xây dựng chiến lược phát triển lâu
dài, trong đó cần chú trọng đảm bảo môi trường văn hóa du lịch, bảo vệ hệ sinh
thái tự nhiên… Du lịch đã và đang được “công nghiệp hóa”, có tiềm năng lớn và
có tính hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát
triển du lịch là cơ hội mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các nhà đầu tư, cho
địa phương và cho cả cộng đồng cư dân tại chỗ. Tuy nhiên ở một mặt khác, phát triển
du lịch cũng đã và đang cho thấy những ảnh hưởng, đôi khi rất nghiêm trọng
đối với tài nguyên, môi trường tại chỗ và xung quanh khu du lịch.
Những năm gần đây, tỉnh Tiền Giang cũng đang xúc tiến
đầu tư nhiều tour du lịch đường thủy như: du lịch bằng thuyền dài ngày trên
sông, các tour du lịch sinh thái tham quan các điểm du lịch trên cồn, đi chèo
đò, thuê phương tiện thủy để câu cá…, góp phần tạo nên sự phức tạp trong hoạt
động giao thông đường thủy nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế về phát
triển du lịch đường thủy, tỉnh cũng đang phải đối mặt với những tồn tại, hạn
chế về nhiều lĩnh vực trong quá trình kinh doanh vận chuyển khách du lịch như:
ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy và bảo vệ
môi trường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch và một
bộ phận không nhỏ người dân tham gia trên các tour du lịch đường thủy còn chưa
nghiêm…
Do vậy, tỉnh đã kiến nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, phối
hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường các quy định bảo vệ môi trường
sinh thái trong ngành du lịch, thiết lập những quy định bảo vệ môi trường trong
hoạt động du lịch cụ thể hơn để bổ sung những thiếu sót của luật pháp hiện hành
trong quản lý bảo vệ môi trường đối với khai thác du lịch, nhất là du lịch sinh
thái, sử dụng tài nguyên thiên nhiên có sẵn.
Việc phát triển bền vững văn hóa du lịch kết hợp với
công tác an toàn giao thông đường thủy trong du lịch không chỉ góp phần nâng
cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tìm kiếm và xây dựng sản phẩm mới,
độc đáo của du lịch địa phương mà còn tạo sự an toàn, thoải mái cho du khách
khi đến với Tiền Giang.