Khơi dậy tiềm năng du lịch của Tây Ninh
Cập nhật: 30/05/2012
Hiện nay, so với các tỉnh, thành phố ở miền Đông Nam bộ thì Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch - ngành “Công nghiệp không khói”.

                               Núi Bà Đen
Cách TP. Hồ Chí Minh không xa, Tây Ninh có chiều dài biên giới hơn 260km tiếp giáp với Cam-pu-chia, có đường xuyên Á nối với TP. Hồ Chí Minh thông qua cửa khẩu Mộc Bài đến Cam-pu-chia, có hai cửa khẩu quốc tế và nhiều đường tiểu ngạch thông thương giữa hai nước. Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng ngọn núi Bà Đen cao nhất miền Đông Nam bộ, có hệ thống chùa chiền cổ kính, cộng với quần thể di tích lịch sử đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, có Tòa Thánh Cao Đài - công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo, có khu sinh thái hồ Dầu Tiếng, một trong những công trình thủy nông lớn nhất nước ta, nơi có nhiều đảo, bán đảo, tạo cảnh quan thơ mộng và nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số Chăm, Stiêng, Khơ-me…  

Tuy nhiên, hiện Tây Ninh gặp không ít khó khăn. Lượng du khách đến Tây Ninh vẫn chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tâm linh. Do vậy, hàng năm, lượng khách thường tập trung từ tháng Hai đến tháng Tư và tháng Tám nên các doanh nghiệp cũng chỉ chạy theo mùa vụ. Ông Nguyễn Văn Thìn, Phó ban Quản lý Khu di tích Lịch sử núi Bà cho biết: Tháng cao điểm, đơn vị ký từ 700 đến 800 hợp đồng lao động tạm thời. Trong số này, hầu hết chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, khách sạn ít, lại ở xa khu du lịch (mới chỉ có khách sạn 2 sao), cơ sở hạ tầng giao thông, hạng mục công trình phụ trợ, các loại hình dịch vụ đi kèm chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp hầu hết còn nhỏ, khả năng cạnh tranh hạn chế. Các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí tại chỗ chưa phong phú; việc liên kết vùng miền, quảng bá chưa nhiều, chưa tạo được sức hút của các nhà đầu tư và du khách.  

Để khơi dậy tiềm năng, vừa qua, Tỉnh ủy Tây Ninh đã có Nghị quyết chuyên đề: “Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch đến năm 2015, tầm nhìn 2030”; UBND tỉnh có quy hoạch đề án: “Xây dựng thị xã Tây Ninh trở thành thành phố xanh, thành phố du lịch”, “Điều chỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn 2030”. Gần đây, Tây Ninh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho rằng, các cuộc hội thảo tập trung đi sâu đề xuất các biện pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi, đối tượng là người địa phương, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ và thu hút nhân tài từ các địa phương khác. Đây là cơ sở tổ chức các tour du lịch chất lượng cao vào các tháng trọng điểm, chủ động quảng bá rộng rãi, xây dựng thương hiệu các dịch vụ du lịch, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, củng cố quốc phòng an ninh, liên kết chặt chẽ các vùng miền trọng điểm các tỉnh phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, Cam-pu-chia, Thái Lan. Trước mắt, tập trung quy hoạch, kêu gọi đầu tư các khu trọng điểm: núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Lò Gò-Xa Mát.  

Hy vọng, với các bước đi thích hợp, ngành “Công nghiệp không khói” Tây Ninh sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở tỉnh biên giới phía Tây nam  của Tổ quốc.  

Nguyễn Duy Hiển

QĐND