Phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế
Cập nhật: 12/06/2012
Thay vì chỉ khai thác các danh lam thắng cảnh và hệ thống di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phát triển du lịch cộng đồng, mở hướng đi mới trong phát huy giá trị văn hóa Huế, kết nối thêm các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả.

Trên cơ sở tuyến du lịch "Chợ quê ngày hội" trong các dịp Festival Huế, đầu tháng 6 này, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế chọn cầu ngói Thanh Toàn ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy thực hiện dự án "Phát triển du lịch cộng đồng".

Cầu ngói Thanh Toàn với tour du lịch "Chợ quê ngày hội", từ lâu, đã trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các doanh nghiệp lữ hành, nhất là qua mỗi kỳ Festival Huế. Điểm du lịch làng quê này được đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân địa phương được tập huấn cách làm du lịch và có thu nhập thêm từ các dịch vụ.

JICA sẽ thiết lập văn phòng quản lý du lịch của làng và thiết lập tổ chức nhóm quản lý du lịch cho cộng đồng. Trên cơ sở đó, dự án tập trung khai thác các tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch, mở rộng phạm vi để người dân tham gia làm du lịch. Khuyến khích sự hỗ trợ từ các doanh nghịêp lữ hành, nhà khai thác dịch vụ về cung cấp thông tin điểm đến và nguồn khách; cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm từ địa phương; kế hoạch tổ chức các đoàn Famtrip để đánh giá sản phẩm của chương trình du lịch sau khi thiết lập và theo dõi thực tế.

Khách quốc tế thích thú với tour homestay tại làng cổ Phước Tích
Làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền có gần 500 năm tuổi. Cùng với hệ thống các đình, chùa, miếu, di tích chămpa, nghề gốm truyền thống, làng còn có gần 40 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn (trên 100 năm tuổi) được kết nối với tour du lịch cộng đồng "Hương xưa làng cổ" trong các dịp Festival Huế. Những năm qua, Phước Tích được JICA chọn làm nơi triển khai dự án "Phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển bền vững thông qua du lịch".

Loại hình du lịch được phát triển ở đây là Homestay phục vụ khách. Phước Tích đã thu hút được sự chú ý của nhiều đơn vị lữ hành du lịch trong việc đưa khách về tham quan, lưu trú tìm hiểu, khám phá văn hóa, kiến trúc, đời sống của làng. Bên cạnh đó, tổ chức JICA còn giúp Phước Tích khởi động chương trình phục hồi nghề gốm cổ, do ông Mizokami Yoshihiro chuyên gia gốm hàng đầu của Nhật Bản hướng dẫn.

Hơn 20 người dân Phước Tích, phần lớn là các nghệ nhân lớn tuổi đã tham gia chương trình. Chương trình nhằm giúp người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống. Đặc biệt, dự án sẽ giúp khôi phục nghề gốm nhằm cải thiện thu nhập cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm để phát triển nghề gốm truyền thống.

Một mô hình du lịch cộng đồng khác góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương tại phường An Tây, thành phố Huế, nơi có Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là “kinh doanh du lịch cùng người nghèo.” Loại hình du lịch này chủ yếu được thành lập ở vùng nông thôn, miền núi, nơi thu nhập người dân còn thấp và điều kiện sinh hoạt còn hạn chế. Trung tâm Văn hóa Huyền Trân có diện tích 28ha ở vùng đất "nửa nông thôn, nửa thành thị," người dân đa phần có thu nhập thấp, công việc không ổn định.

Tổ chức phi chính phủ Hà Lan (SNV) đã phối hợp cùng Công ty cổ phần du lịch Hương Giang thực hiện mô hình “kinh doanh du lịch cùng người nghèo” nhằm gắn kết những người dân có thu nhập thấp trong vùng vào chuỗi giá trị du lịch của trung tâm với tư cách là người làm công và người cung cấp các sản phẩm thủ công theo hướng cùng có lợi, vừa tăng doanh thu cho doanh nghiệp vừa tăng thu nhập cho cộng đồng. Trên cơ sở đó, trung tâm đã thu nhận và tạo việc làm mới cho khoảng 70 người.

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đánh giá: việc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển du lịch cộng đồng có lợi cả đôi đường. Du lịch cộng đồng phát triển là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh văn hóa Huế đến với du khách.

Đối với các làng nghề, đây là cách tiếp cận nhanh nhất, hấp dẫn nhất để bán các sản phẩm, nhất là hàng thủ công, mỹ nghệ truyền thống, hàng lưu niệm đối với khách du lịch. Đây cũng là hướng đi mới trong chiến lược phát triển du lịch của Thừa Thiên-Huế, hướng đến mục tiêu đón ba triệu khách du lịch vào năm 2015.
Vietnam+