Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết, sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhất là gần kề thời điểm Thành Nhà Hồ chuẩn bị đón nhận bằng công nhận Di sản thế giới (vào trung tuần tháng 6/2012), thì càng có nhiều du khách đến tham quan quần thể di tích Thành nhà Hồ.
Trong 5 tháng đầu năm 2012, Thành Nhà Hồ đã đón hơn 11.000 lượt khách, trong đó hầu hết là khách nội địa. Điểm dừng chân của du khách mỗi lần đến Thành Nhà Hồ chính là tòa thành đá kỳ vĩ với tuổi đời hơn 600 năm được xây dựng và gắn chặt với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử.
Tại tòa thành cổ này, du khách được chiêm ngưỡng hệ thống 4 cửa ở các mặt thành được xây cuốn vòm, với những khối đá tảng cực lớn, dài khoảng 7m với khối lượng khoảng từ 20 đến 25 tấn mỗi khối, được ghép lại với nhau một cách tự nhiên và vững chãi. Móng thành, tường thành, vòm cửa thành, đường đi, sân nền... đều sử dụng vật liệu đá vững chãi. Thành Nhà Hồ trở thành một công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.
Công trường khai thác đá cổ ở núi An Tôn (xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc) cũng là "điểm đến" của không ít du khách. Đây chính là công trường khai thác đá cổ mà Nhà Hồ đã sử dụng để xây nên tòa thành kỳ vĩ này.
Căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công hiện còn rất rõ trên các mặt của phiến đá, đồng thời qua việc phân tích đối sánh với các phiến đá tại tường Thành Nhà Hồ, qua hố khai quật thám sát cửa Nam, các nhà khoa học đã xác định: Các phiến đá được phát hiện tại dãy núi An Tôn chính là các phiến đá được Nhà Hồ cho khai thác với mục đích xây dựng kinh đô. Tham quan phòng trưng bày bổ sung di sản Thành Nhà Hồ, du khách được giới thiệu về cách vận chuyển các khối đá khổng lồ về nơi xây dựng của người xưa. Đó là việc người xưa đã dùng con lăn và những viên bi đá để làm thành một "băng chuyền", sau đó cho những khối đá nặng trên 10 tấn trượt trên "băng chuyền" này, cùng với đó là sức kéo của trâu, voi và sức đẩy của con người đã bẩy các khối đá chồng xếp cao dần lên tới độ cao 10m.
Đến với Đàn tế Nam Giao, du khách lại được chứng kiến những dấu tích nền móng kiến trúc và cấu trúc chính của Đàn Nam Giao hay dấu tích của con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, mà theo truyền thuyết trước kia vua đi trên con đường này để vào khu vực tế chính. Tại khu vực Đàn tế Nam Giao, một công trình kiến trúc hết sức độc đáo và được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là Giếng Vua (hay còn gọi là Ngự Dục, Ngự Duyên) với thiết kế hình vuông được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng.
Đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ là dấu ấn hoàn thiện cho việc định đô của vương triều, bởi năm 1402 (2 năm sau khi lên ngôi), Hồ Quý Ly đã cho xây dựng Đàn tế Nam Giao cạnh chân núi Đốn Sơn, cách trung tâm Thành Nhà Hồ chưa đầy 2km.
Đàn tế được xây dựng trên 5 tầng nền giật cấp cao dần lên, trên diện tích mặt bằng khoảng 30.000m², trong đó độ cao hiện còn từ chân nền đàn thấp nhất đến mặt nền cao nhất là hơn 9m. Móng nền được xây bằng đá phiến và mặt bằng đàn tế được chia làm hai phần là ngoại đàn và nội đàn. Trên đó, người xưa đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc như vòng tường đàn, đường Thần đạo, Viên đàn, Trai cung, giếng vua, thần khố, thần trù.
Qua các đợt khai quật, hàng ngàn di vật đã xuất lộ, trong đó có một số di vật là đặc trưng riêng của di tích Thành Nhà Hồ như: gạch có chữ, ngói mũi sen, ngói âm dương, ngói bò, tiền đồng, đồ gốm cao cấp của Việt Nam, Trung Quốc... cho thấy sự giao thoa văn hoá giữa các quốc gia láng giềng với Việt Nam, giữa Nho giáo và Phật giáo... Sau nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu quy mô, các nhà khoa học khẳng định đây là đàn tế duy nhất ở Việt Nam còn khá nguyên vẹn về mặt di tích và là Đàn Nam Giao có quy mô hoành tráng, hòa quyện giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên.
Nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hoá tiêu biểu độc đáo của Thành Nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế, ngay từ đầu năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư gần 22 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch ở di sản này.
Để di sản ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận trên nhiều lĩnh vực như: lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ, cảnh quan. Đặc biệt, Thanh Hóa sẽ có kế hoạch đầu tư xứng đáng cho Di sản cả về kinh phí lẫn đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đó là việc sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường quảng bá, kết nối các tour du lịch Thành Nhà Hồ với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015, Thành Nhà Hồ sẽ là điểm đến của trên 35.000 lượt khách.