Vừa qua, nhân dân xã đảo Tân Hiệp (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Để khởi động tốt cho các hoạt động này, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã vận động khoảng 100 người dân tham gia trồng san hô, lặn bắt sao biển gai, dọn vệ sinh tại bãi biển, khu vực dân cư, khơi thông hệ thống thoát nước… “Cù Lao Chàm không chỉ là một trong những khu bảo tồn biển tiêu biểu của Việt Nam mà nơi đây còn là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, bởi vậy các hoạt động của chính chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài sinh vật ở đây. Từ khi được tham gia vào công tác bảo tồn biển tại thôn Bãi Hương, chúng tôi càng ý thức hơn việc giữ vệ sinh cho biển, đảo” - chị Lê Thị Trí (thôn Bãi Hương, Tân Hiệp) nói.
|
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện Hải sản Hải Phòng, Viện Hải dương học Nha Trang cùng các chuyên gia quốc tế thực hiện giám sát đa dạng sinh học, đặc biệt là rạn san hô tại Cù Lao Chàm. Với phương châm giám sát là cách tốt nhất để trả lời câu hỏi “hiện trạng sức khỏe của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển đang như thế nào?”, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm có thể phát hiện sớm những biểu hiện về “bệnh” và đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp. Ngoài ra, nhờ sự kết nối tốt với cộng đồng cùng với những chuyển biến về kinh tế, môi trường sinh thái tại Cù Lao Chàm được cải thiện rõ nét và nhờ các hoạt động hỗ trợ sinh kế của Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh khu bảo tồn (LMPA), áp lực khai thác thủy sản gây tác động xấu trên các vùng rạn san hô đã giảm. Bên cạnh đó, bằng cách chuyển phương tiện hành nghề khai thác thủy sản sang làm du lịch, hệ sinh thái đa dạng của Cù Lao Chàm cũng đã được bảo vệ tốt hơn.
Từ năm 2004, công tác giám sát rạn san hô tại Cù Lao Chàm đã được Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện với chu kỳ 5 năm/lần. Tuy nhiên, trong các chương trình này ít thu hút sự tham gia trực tiếp của cán bộ ban quản lý cũng như tình nguyện viên trong khu bảo tồn. Với chu kỳ dài 5 năm/lần, khó phát hiện kịp thời các mối nguy hiểm với rạn san hô như sao biển gai, tảo gây hại, nhất là tác động xấu từ hoạt động của du lịch. Do vậy, việc xây dựng một chương trình giám sát do chính cán bộ quản lý, tình nguyện viên trong khu bảo tồn thực hiện với định kỳ hàng năm là một giải pháp hỗ trợ khá tốt để phục vụ cho công tác quản lý hiệu quả. “Phát huy những thành tựu có được trong thời gian qua, để giám sát tốt sự sinh trưởng của các rạn san hô, phương pháp Reefcheck - được xây dựng bởi các nhà khoa học quốc tế về sinh học biển sẽ là công cụ hữu hiệu của chúng tôi. Với những tính năng ưu việt là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với sự tham gia của các tình nguyện viên… hy vọng cách tiếp cận mới này sẽ mở ra triển vọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm” - ông Phạm Thành Hồng Lĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết.