Vườn
quốc gia Tràm Chim xứng đáng với danh hiệu Ramsar vì thỏa mãn được 5
trong số 9 tiêu chí của Ramsar. Ngoài ra, tổ chức BirdLife còn xếp Tràm
Chim là một trong các “Vùng chim quan trọng” (IBA - Important Bird Area)
ở Việt Nam.
Công
ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp
lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá
trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự
mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai, công
nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và
các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của
chúng.
|
Nằm
giữa vùng đất trũng ngập nước của Đồng Tháp Mười, Vườn quốc gia Tràm
Chim có diện tích tự nhiên 7.612 ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sinh,
Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam
Nông, tỉnh Đồng Tháp. Vùng đất này có cảnh quan thiên nhiên đẹp hấp dẫn
với sông nước, rừng tràm và thảm thực vật phong phú. Đây là nơi cư trú
của 130 loài thực vật bậc cao, 231 loài chim nước, hơn 100 loài động
vật, hơn 150 loài cá… Đặc biệt, Vườn quốc gia Tràm Chim còn có 16 loài
chim quý hiếm sinh sống và được bảo vệ như: Sếu đầu đỏ, Già đẫy lớn, Già
đẫy Java, Cò quắm đầu đen, Cò Thìa, Đại bàng đen, Te vàng, Choi Choi
lưng đen, Ngang cánh trắng, Điêng Điểng, Cò Trắng Trung Quốc, Diệc
Sumatra, Bồ Nông Chân xám, Giang Sen, Nhạn ốc và Công
Đất.
|
|
Ngoài
ra, Vườn quốc gia Tràm Chim còn ẩn chứa vẻ đẹp thuần khiết của sen
trắng, sen hồng, sen nửa trắng nửa hồng, bông súng, lúa trời, năng, lác,
rau muống đồng...; cùng các loài động vật rất gần gũi, đậu trên cành
cây hay lững lờ trên mặt nước: cò, le le, trít, diệc, vịt trời, cồng
cộc...; nhìn xuống đồng nước xanh, trong, từng loài cá đồng vẫy đuôi tìm
mồi...
|
Tuy
nhiên, áp lực khai thác tài nguyên để kiếm kế sinh nhai của cộng đồng
nghèo sống quanh Vườn quốc gia Tràm Chim là rất lớn, như việc hái hoa
sen, ngó sen, và hoa súng đem ra ngoài bán với giá 500 đồng/bông, dùng
bình điện bắt cá, sử dụng hóa chất để bẫy chuột, cua ốc... Vấn đề quản
lý thủy văn cho phù hợp với nhu cầu của hệ sinh thái đất ngập nước,
trong bối cảnh chế độ thủy văn của toàn vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi
do sự phát triển hệ thống kênh đào rộng khắp; sự xâm lấn của các loài
ngoại lai xâm hại như cây mai dương (Mimosa pigra), một loài thực vật
được IUCN xếp trong 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới…
đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái tự nhiên của Tràm
Chim.
|
Vườn
quốc gia Tràm Chim được Ramsar công nhận thì lợi ích đầu tiên thu được
đó là danh tiếng của khu vực này và của cả quốc gia cũng sẽ được tăng
lên nhờ được nhắc đến nhiều hơn ở các diễn đàn quốc tế về bảo tồn vùng
đất ngập nước. Lợi ích đó sẽ giúp Vườn quốc gia Tràm Chim được nhiều
khách du lịch biết đến và tới thăm nhiều hơn. Đồng thời, khi thành khu
Ramsar, Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia về
chuyên môn cũng như cho việc áp dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công
nhận. Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được những khoản hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ
của Công ước Ramsar và tăng sự chú ý của các quỹ bảo tồn
khác.
|
Ngày
nay gần như toàn bộ cảnh quan Đồng Tháp Mười xưa đã biến mất, chỉ còn
sót lại một vài khu quan trọng như Tràm Chim ở Đồng Tháp, Láng Sen ở
Long An. Nên việc gìn giữ các khu còn lại như thế có ý nghĩa quan trọng
về đa dạng sinh học, sinh thái, du lịch, văn hóa và cả nghiên cứu khoa
học. Tràm Chim cũng là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng
xung quanh và đặc biệt là nơi giữ lại hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa
xưa cho các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng và suy ngẫm về công lao của các
bậc tiền nhân có công mở cõi ở vùng đất này. Được công nhận là khu
Ramsar thứ 4 của Việt Nam là một cơ hội tốt cho công cuộc bảo tồn đất
ngập nước ở Tràm Chim.
Hương Lê (TTTTDL)